Trên quê hương cách mạng Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên/Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời”-chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Thân Như Thơ chọn cái kết đầy nghĩa tình ấy cho bài thơ “Tháng Ba Tây Nguyên”, sau này đã được phổ nhạc để trở thành một trong những bài ca đi cùng năm tháng. Tháng Ba, khoảnh khắc đất trời hòa quyện, lòng người cũng khắc nhớ tấm lòng tri ân…

Chuyến đi mang nặng ân tình

Đã 38 năm từ ngày đất nước thống nhất, nhưng ân tình của những người làm cách mạng với đồng bào Bahnar ở xã Krong, huyện Kbang thì vẫn còn nguyên vẹn. Đầu tháng Ba, Đoàn công tác của tỉnh gồm các đồng chí: Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh; Đào Xuân Liên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh… đã có chuyến đi “Về nguồn”, trở lại các ngôi làng thuộc khu căn cứ cách mạng tại đây.

 

Làng Pngăl đã được chuyển đến khu tái định cư khang trang. Ảnh: L.V.N

Gần bốn thập kỷ trôi qua, nhưng trong lòng những người làm cách mạng vẫn một nỗi nhớ khắc khoải về cái vùng đất đã trở thành “căn cứ của lòng dân” như Krong. Từng khúc sông, từng quả đồi, ngọn núi dần mở ra trước tầm mắt vẫn giữ nguyên cái hình hài thân quen. Buổi sáng, ánh nắng nhẹ hắt qua sườn núi quyện với cái se lạnh của vùng cao khiến lòng người bỗng cảm thấy yên bình đến lạ. Ngôi làng Pngăl hiện ra thơ mộng nhưng cũng không kém phần khang trang trên đỉnh quả đồi.

Hàng trăm người dân của 6 làng Pngăl, Tăng, Klêch, Adrong, Lur, Klư đã có mặt ở khoảng sân lớn của làng từ trước đó. Từ những người già tóc bạc phất phơ đến những cô cậu bé còn nằm gọn gàng sau lưng mẹ, ai nấy đều rạng ngời ánh mắt. Người lạ lẫm ngạc nhiên, người trìu mến thân thuộc như đón những người con trở về nhà.

Những cụ già trong làng bắt đầu cười rạng rỡ tay bắt mặt mừng những người chiến sĩ cách mạng năm xưa. Người nhớ, người có thể chưa nhớ, nhưng trong sâu thẳm tâm can của những người dân Bahnar nơi đây vẫn luôn coi những người chiến sĩ năm xưa là bạn, những người đã cùng đứng một chiến tuyến chống ngoại xâm. Những cái bắt tay, những cái ôm siết chặt là đủ để cho nhau biết rằng, chúng ta là bạn, chúng ta vẫn luôn nhớ về nhau…

Ông Đinh Joi, làng Adrong bồi hồi: “Được gặp lại những người bạn năm xưa, lại còn được tặng quà, mình và dân làng vui lắm. Cũng nhờ Đảng và Nhà nước mà dân làng mình giờ được ở làng tái định cư, nhà cửa kiên cố, có nước, có điện đầy đủ chứ không thiếu thốn nhiều như xưa nữa rồi”. Đồng chí Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh bày tỏ trong buổi gặp gỡ và trao quà: “Món quà tuy nhỏ nhưng nó mang ý nghĩa lớn lao về chính trị, đó là sự tri ân của Tỉnh ủy với những công lao mà bà con ở Krong đã cống hiến cho cách mạng, mang đến thành công cho cách mạng như ngày hôm nay”.

Sắt son với Đảng

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong bầu trời hòa bình chắc hẳn chưa bao giờ gặp những chiến sĩ cách mạng, nhưng nhìn cái cách những người lớn trong làng tỏ bày tình cảm thắm thiết, qua những câu chuyện già làng kể mỗi đêm tụ họp, họ cũng hiểu được đôi phần cái tình cảm sắt son và dân làng dành cho cách mạng.

Lần trong ký ức từng trang sử hào hùng ngày ấy, ông Đinh Byưh (SN 1946, làng Lur) chầm chậm nói: “Năm 1961, lúc ấy mình mới 15 tuổi, mình đã cùng dân làng đi qua rừng, qua núi để gùi gạo, muối cho bộ đội mình. Đến năm 1965 thì mình bắt đầu tham gia du kích. Mình đã từng 14 lần tham gia đánh đồn địch ở An Khê, Mang Yang, Ka Nak và cũng đã bị thương nhưng vẫn cầm súng chiến đấu đến khi đất nước giải phóng”.

Với ông Đinh Amă (SN 1948, làng Adrong) thì theo cách mạng đã là một niềm vui, ông kể: “Mình bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên chỉ có hai anh em trai ở với nhau. Mình thấy anh đi theo cách mạng gùi hàng, kiếm mì, gạo cho bộ đội nên cũng xin đi theo cho vui, rồi theo mãi đến lúc giải phóng”.

Bí thư xã Krong, ông Đinh Klem vẫn chưa thể quên được những tháng ngày đầy gian khổ hy sinh nhưng hùng tráng ấy: “Dân làng ngày ấy ai ai cũng theo cách mạng, vận chuyển gạo, vũ khí… cho bộ đội. Nhiều gia đình còn nhịn ăn để dành gạo, dành củ mì cho bộ đội ăn có sức đánh Mỹ. Dù có thế nào thì dân làng một lòng luôn che chở, bảo vệ cho bộ đội trước quân thù. Ngày nay, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng được đầu tư hỗ trợ nhà, điện, trường, đường… nên dân làng vẫn tin yêu vào Đảng và Nhà nước lắm”.  

Chia tay Krong, trong tâm trí những người chiến sĩ năm nào vẫn văng vẳng nghẹn ngào câu thơ của Tố Hữu “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù..” như những gì bà con Bahnar đã làm cho cách mạng năm xưa…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm