Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Triển lãm ấn bản "siêu hiếm" của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn Vũ Trọng Phụng của Hội Nhà văn Việt Nam, không ít người trầm trồ trước triển lãm bút tích, ấn bản thời còn sống của “vua” phóng sự đất Bắc.
 

Bản thảo viết tay của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Bản thảo viết tay của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Sáng ngày 22-10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Với tư cách nhà báo, Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “Vua” phóng sự đất Bắc, với tư cách nhà văn tên tuổi ông gắn với những tiểu thuyết nổi tiếng như Số đỏ, Giông tố…
 
Trước đó, chiều ngày  21-10, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã đến thắp hương tại mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng ở Nhân Chính, Hà Nội.
 
Đây là dịp để những nhà nghiên cứu, những độc giả cùng nhìn nhận những thành tựu sáng tác của ông - di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại.

Theo GS Phong Lê, trên văn đàn Việt Nam, ít ai có được sức viết như Vũ Trọng Phụng. Với 27 năm tuổi đời và dưới 10 năm tuổi nghề thế mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng có thể nói là đồ sộ với các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, gồm 9 tiểu thuyết, 7 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng hàng chục truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, bản dịch...

Hơn 50 năm sau khi qua đời, Vũ Trọng Phụng đã trở lại một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam, nhiều hoạt động ghi nhận công lao của ông đã được tiến hành: sưu tầm di cảo, xuất bản và tái bản sách, tổ chức hội thảo, đặt tên đường phố…

Cũng tại buổi lễ này, lần đầu tiên các ấn phẩm của Vũ Trụng Phụng được nhà sưu tập sách cổ Hoàng Minh trưng bày giới thiệu đến các độc giả.

Triển lãm trưng bày bản thảo viết tay tùy bút Vỡ đê, một số ấn bản đều thuộc hàng sách xưa, trước năm 1945 khi Vũ Trọng Phụng còn sống. Có ấn bản thuộc hàng “siêu hiếm” như cuốn Giông tố được NXB Văn Thanh in năm 1937. Theo nhà sưu tập Hoàng Minh, hiện Việt Nam chỉ còn hai ấn bản, một của anh và một của nhà sưu tầm khác.

“Việc có trong tay những bút tích, ấn bản của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng không chỉ vì lòng quý trọng của tôi đối với một tài năng vĩ đại mà còn là cơ duyên”, nhà sưu tập Hoàng Minh chia sẻ. Ngoài cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, Hoàng Minh còn sưu tập về một số nhà văn khác…

Trước buổi Lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng, công chúng cũng hướng nhiều sự chú ý đến sự kiện: sau Làm đĩ, Giông tố tiếp bước lên sân khấu kịch.

Ngày 9-8 vừa rồi, nhà viết kịch Chu Thơm đại diện cho sân khấu kịch Hồng Vân và ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã có buổi ký kết thoả thuận chuyển thể tiểu thuyết Giông tố lên sân khấu kịch.

Theo biên bản ký kết, nhà viết kịch Chu Thơm giữ vai trò chuyển thể kịch bản và NSND Hồng Vân chịu trách nhiệm đạo diễn. Tên gọi của kịch bản phóng tác do tác giả và đạo diễn kịch bản quyết định. Bên cạnh đó, biên bản còn yêu cầu đơn vị chuyển thể phải thực hiện nghĩa vụ bản quyền đối với gia đình nhà văn.

Dự kiến, cuối năm 2012, Sân khấu kịch Hồng Vân sẽ cho ra mắt vở diễn mới chuyển thể từ tác phẩm Giông tố...

Giông tố được nhà văn Vũ Trọng Phụng sáng tác vào năm 1936, cùng với thời điểm ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết khác là Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ. Đầu năm 1937, Giông tố được xuất bản thành sách riêng tại nhà xuất bản Văn Thanh ở Hà Nội.

Theo dantri

Có thể bạn quan tâm