(GLO)- Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dổi xanh, nhiều người dân ở các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đak Rong (huyện Kbang, Gia Lai) đã nhổ cây con trong rừng hoặc mua giống ghép về trồng xen canh trong vườn cà phê. Chính quyền địa phương cũng có phương án hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ nghèo, hộ người dân tộc Bahnar trồng loại cây này với hy vọng tăng thu nhập.
Khuyến khích trồng xen cây dổi
Nhìn những cây dổi xanh tốt xen lẫn giữa vườn cà phê già cỗi, ông Nguyễn Hữu Thảnh (thôn 1, xã Sơ Pai) vô cùng phấn khởi bởi chẳng bao lâu nữa chúng sẽ bổ sung thêm một nguồn thu nhập. Năm 2015, thấy nhiều thương lái đến địa bàn săn lùng mua hạt dổi dùng làm thuốc chữa bệnh hoặc làm gia vị với giá lên đến hơn 2,5 triệu đồng/kg, lại đọc báo, nghe đài thấy vườn dổi ở huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho hiệu quả kinh tế cao nên ông cùng một số người trong thôn rủ nhau lên rừng tìm những cây dổi con đem về trồng xen trong vườn cà phê. Đến nay, ông Thảnh đã có 110 cây dổi trồng xen trong 8 sào cà phê. Dự kiến sang năm, số cây trồng lứa đầu sẽ cho quả bói và năm kế tiếp sẽ cho thu nhập chính.
Tương tự, qua tìm hiểu mô hình trồng dổi cho hiệu quả kinh tế cao của người chú tại tỉnh Hòa Bình, anh Nguyễn Văn Thức (thôn 2, xã Sơn Lang) đã mạnh dạn đặt mua 300 cây giống về trồng xen trong vườn cà phê và cây ăn quả rộng gần 4 ha. Dự kiến tháng tới, anh sẽ mua thêm 300 cây nữa về trồng. Theo anh Thức, dổi ghép từ những cây mẹ chỉ cần trồng đến năm thứ 3 là ra hoa và đến năm thứ 4 cho thu nhập chính. Càng lâu năm, tán dổi càng rộng, mỗi cây có thể thu hoạch được 25-30 kg quả, từ 8-10 kg quả sẽ cho 1 kg hạt, giá có thể lên đến 2,8 triệu đồng/kg. Như vậy, khi cây vào giai đoạn ổn định có thể cho thu nhập vài triệu đồng/cây.
Nhiều cây dổi trồng xen trong vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Hữu Thảnh (thôn 1, xã Sơ Pai) đã cao từ 5 m đến 6 m, chuẩn bị cho quả. Ảnh: N.S |
Ông Nguyễn Mạnh Tuyển-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai-cho biết: Trên địa bàn xã, người dân trồng dổi rải rác trong vườn nhà, một số người còn nhổ cây con từ rừng về trồng. Đến nay, toàn xã có 16 hộ trồng trên diện tích khoảng 8 ha với hơn 1.000 cây. Đây là những hộ nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây dổi nên trồng tự phát, còn những hộ trồng theo mô hình của huyện thì mới bắt đầu triển khai. Ông Tuyển khá thận trọng khi cho rằng mô hình trồng xen canh dổi xanh còn khá mới mẻ nên phải vài năm nữa mới đánh giá được hiệu quả kinh tế, từ đó mới định hướng quy hoạch, mở rộng diện tích. Hiện nay, chính quyền cũng chỉ khuyến khích người dân trồng xen canh với các loại cây trồng khác.
Sẽ nhân rộng ra một số xã
Ông Lê Quý Truyền-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho hay: Trên địa bàn xã hiện có 16 hộ dân trồng xen canh hơn 1.000 cây dổi trong vườn cà phê. Người dân đang tiếp tục trồng, mở rộng thêm diện tích loại cây này. “Theo tìm hiểu, đây là loại cây lâm nghiệp rất phù hợp trồng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm thu hồi giao cho người dân trồng rừng. Người dân trồng dổi xen trong vườn cà phê làm cây chắn gió nhưng sau 4 năm lại có thu nhập, thời gian dài cây còn cho gỗ, có giá trị cao. So với việc trồng các loại cây lâm nghiệp khác thì cây dổi đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều”-ông Truyền khẳng định.
Trong khi đó, ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang thì khẳng định: Phòng đã lập danh sách hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đak Rong và có phương án hỗ trợ một phần kinh phí cho 21 hộ tham gia trồng cây dổi xanh với diện tích khoảng 9,4 ha. Tổng kinh phí thực hiện là trên 833 triệu đồng (kinh phí huyện 227,9 triệu đồng, người dân đóng góp 606,1 triệu đồng). Đến nay, các hộ dân đã hoàn thành việc xuống giống. Nếu tỷ lệ sống đạt 85% trở lên thì huyện sẽ hỗ trợ 20% kinh phí mua cây giống.
Cũng theo ông Tình, cây giống được các hộ dân mua từ tỉnh Hòa Bình. Sau 4 năm trồng, người dân đã có thể thu hoạch được quả dổi và 30 năm thì thu gỗ khoảng 1 m3/cây. So với việc trồng các loại cây lâm nghiệp khác thì dổi đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Giá mỗi ký hạt dổi khô hiện nay khoảng 1,4-1,7 triệu đồng, có thời điểm trên 2,5 triệu đồng. Bình quân mỗi cây dổi sẽ cho khoảng 1 kg hạt/năm; những năm về sau khối lượng hạt tăng dần, cây dổi ở tuổi 50 có thể cho tới 10 kg hạt/năm. Ngoài ra, trong những năm đầu, người dân có thể xen canh những cây ngắn ngày trên diện tích trồng dổi. Vài năm nữa, khi mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao thì sẽ nhân rộng ra các xã lân cận.
Nguyễn Sang