Doanh thu hơn 71 tỉ đồng sau khoảng 10 ngày công chiếu, "Em và Trịnh" đang tiến tới mốc trăm tỉ đồng. Bộ phim bán được 1 triệu vé nhanh nhất trong loạt phim Việt từ đầu năm tới nay.
Em và Trịnh là phim Việt gây nhiều tranh cãi. Ảnh: NSX |
Tiểu thuyết xuất bản có tranh cãi hoặc bị thu hồi, người ta càng tìm mua. Phim có ghi bảng cấm trẻ em dưới 18 tuổi xem, trẻ em và người lớn càng cố mua vé vào xem để biết nó "sex" đến cỡ nào.
Cho nên, cuốn tiểu thuyết bán chạy, bộ phim bán cháy vé chưa hẳn là vì nó hay, mà vì nhiều yếu tố chẳng liên quan gì chất lượng nghệ thuật.
Phim "Em và Trịnh" đạt doanh thu như trên chẳng có gì ngạc nhiên.
Trước hết, một bộ phim liên quan đến Trịnh Công Sơn bản thân đã là một lợi thế. Trịnh Công Sơn có nhiều người yêu mến, Trịnh Công Sơn có gia sản âm nhạc đồ sộ, làm say lòng nhiều thế hệ yêu nhạc Việt. Cho nên, đông người đến với bộ phim về ông là chuyện đương nhiên.
Nhưng không phải cứ có cái tên Trịnh Công Sơn là "hot". Bằng chứng là người anh em song sinh với "Em và Trịnh" là phim "Trịnh Công Sơn", phải "chết non" khi đưa ra rạp vì không có nhiều người xem. Hay như trước đây, khi xuất bản cuốn sách "Thư tình gửi một người", lần đầu tiên công bố những bức thư tình viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao Ánh, PR đủ cách, rồi hạ giá nhiều lần cũng không bán chạy.
Phim Em và Trịnh "hot" vì bên cạnh cái tên Trịnh Công Sơn là "em". Em ở đây là những câu chuyện tình của Trịnh. Người yêu nhạc Trịnh, mến mộ Trịnh Công Sơn tò mò muốn biết những "em" của ông đã yêu ông và ông đã yêu như thế nào. Về vụ này thì người "cao tuổi" hay trẻ mới lớn đều tò mò như nhau.
Yếu tố thứ ba, như đã nói trên, đó là "tranh cãi". Nhiều người cho rằng đây là chiêu PR của nhà sản xuất, nhưng e là không. Những cuộc tranh cãi nổ ra rất tự nhiên, và có vẻ như bị "lây lan" hơi nhanh. Thế là, người ta càng tò mò để xem bộ phim này vì sao thiên hạ cãi nhau vang trời như thế.
Từ Em và Trịnh, còn nhiều chuyện vượt ra ngoài bộ phim cũng rất đáng để bàn, đó là văn hóa tranh cãi hay tranh luận hiện nay.
Nhiều ý kiến nêu ra có phân tích, có lý lẽ và tôn trọng sự khác biệt. Nhưng cũng có không ít người nặng lời đối với người khác quan điểm. Tệ hơn, có người moi móc đời tư của Trịnh Công Sơn, những chuyện riêng của cá nhân ông với mục đích bôi xấu, chê bai.
Lướt qua mạng xã hội, sẽ thấy nhiều chuyện tương tự, người ta nặng lời, nhục mạ, làm tổn thương nhau đôi khi chỉ vì không cùng quan điểm về một vấn đề nào đó.
Hãy tôn trọng sự khác biệt và xem nó là điều làm cho cuộc sống thú vị hơn. Thử hình dung, nếu cuộc sống chỉ là những cái gật đầu trăm phần trăm hay bảy tám chục phần trăm thì tẻ nhạt biết mấy.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)