(GLO)- Không chỉ là ngôi làng đặc biệt khó khăn của xã Kon Thụp (huyện Mang Yang), Đak Pơ Nan còn được biết đến là làng có nhiều bệnh nhân phong.
Nỗi đau bệnh tật
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi trở lại làng Đak Pơ Nan. Không mất quá nhiều thời gian để tìm đến nhà của những bệnh nhân phong, bởi lẽ hầu hết các ngôi nhà ấy đều được sơn màu vàng đặc trưng và đánh số thứ tự. Sở dĩ có sự khác biệt như thế là vì những ngôi nhà này đều do Hiệp hội Raoul Follereau của Pháp tài trợ xây dựng cho những bệnh nhân phong cách đây nhiều năm.
...Bước từng bước khó nhọc, bà A Net dừng lại nơi góc nhà lấy chiếc chổi, sau đó bà dùng răng và cánh tay trái cột chặt cán chổi vào cánh tay phải bằng 1 sợi dây để quét nhà. Việc cột dây hay quét nhà đều được bà thực hiện thuần thục dù cả 2 bàn tay đều không còn ngón. Bà A Net trải lòng: Năm 1990, sau khi sinh người con thứ 5, bà phát hiện tay chân hay bị tê nhức và các ngón mất dần cảm giác. Nghe người trong làng chỉ, bà lên rừng hái lá về đun nước uống, rồi đắp lên tay chân nữa nhưng vẫn không bớt, thậm chí bệnh càng nặng không thể đi lại, các đốt ngón tay, ngón chân bị rụng dần. Đau đớn vì bệnh tật nhưng bà A Net vẫn cảm thấy may mắn vì chồng và các con đều khỏe mạnh, lành lặn và hơn hết là họ yêu thương, chăm sóc chứ không hắt hủi, xa lánh bà.
Vượt qua nỗi đau, bà A Net vẫn cố gắng phụ giúp con cái khi có thể. Ảnh: A.H |
Anh Diê-con trai bà A Net-bộc bạch: “Lúc nhỏ, bị xa lánh nên chúng tôi chỉ có thể chơi với những đứa trẻ cũng có cha, mẹ bị bệnh phong. Cũng buồn, cũng tủi thân nhưng lại càng thương mẹ, vì mẹ đã phải hứng chịu nhiều đau đớn, rồi lại bị người trong làng hắt hủi nữa”. Nhờ sự yêu thương của các con nên bà A Net có động lực vượt qua các cơn đau. Bà còn tập làm những việc nhà bằng đôi tay, đôi chân không còn ngón. Hiện tại, bà đang sống cùng vợ chồng chị Bép-cô con gái kế út. Cuộc sống của gia đình chị Bép cũng khó khăn, tất cả chỉ trông vào 100 cây cà phê và 1 con bò mới được xã cấp cho hộ nghèo. Vậy nên, dù đau bệnh, bà vẫn cố gắng phụ giúp những việc vặt khi có thể.
Ở tuổi 60, cuộc sống của bà A Nghênh cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Chiều chiều, bà lại ngồi bên bậu cửa chờ cậu con trai út đi làm trở về. Di chứng của bệnh phong khiến cho các ngón tay và bàn tay của bà A Nghênh bị co quắp, không thể cầm nắm; các ngón chân cũng vậy, khiến việc đi lại vô cùng khó nhọc. Bà có 5 người con, 4 người trong số đó đã lập gia đình ra riêng. “Giờ mình sống cùng con trai út. Nó tên A Mưr, 16 tuổi rồi. Vì nhà không có ruộng nên nó phải đi làm thuê ở làng khác kiếm tiền về nuôi mình”-bà A Nghênh nói.
Còn đó những khó khăn
Theo Trưởng thôn A Mưn, làng Đak Pơ Nan hiện có 85 hộ dân với 355 khẩu, trong đó, dân tộc Bahnar chiếm 83,53%. Trong làng còn 23 bệnh nhân phong, chủ yếu là người già. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, người dân trong làng đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án về nhà ở, đường giao thông, các mặt hàng chính sách... Mặt khác, nhiều mô hình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được triển khai giúp người dân từng bước đổi mới phương thức sản xuất; một số hộ nghèo, cận nghèo được tham gia mô hình nuôi dê lai sinh sản, nuôi heo đen từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Ông A Mying-cán bộ Thú y xã-cho biết: “Dân làng đã quan tâm hơn đến việc phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nếu năm 2017, tổng đàn gia súc, gia cầm trong làng chỉ khoảng 50 con thì hiện nay đã tăng lên trên 300 con”.
Bà A Nghênh ngồi bậu cửa đợi con. Ảnh: A.H |
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở làng Đak Pơ Nan vẫn khá cao. Trưởng thôn A Mưn lý giải: Nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, tập quán sản xuất vẫn còn lạc hậu, người già yếu, bệnh tật nhiều... Hơn thế, thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào các loại cây trồng như: lúa nước, mì, bời lời, cà phê, cao su... Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường, giá cả nông sản bấp bênh dẫn đến thu nhập không ổn định. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong làng vẫn chiếm đến 42,35%, cận nghèo chiếm 29,41%. “Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 35% vào cuối năm 2022, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang các loại cây trồng khác và sử dụng các nguồn vốn vay hiệu quả. Chúng tôi cũng đề xuất xã thường xuyên mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để người dân có kiến thức và mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất. Đặc biệt, làng tiếp tục duy trì mô hình trồng mì gây quỹ trên diện tích 7,8 sào. Mỗi năm diện tích mì cho thu khoảng 15 triệu đồng, số tiền ấy chúng tôi dùng vào việc sửa chữa, vệ sinh giọt nước, chi trả tiền điện, tiền nước dùng chung tại nhà sinh hoạt cộng đồng, làm hàng rào, nạo vét kênh mương và hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn”-ông A Mưn nói.
Trao đổi thêm về cuộc sống của người dân làng Đak Pơ Nan, ông Hà Văn Toàn-Bí thư Đảng ủy xã Kon Thụp-cho hay: Xã cũng đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ dân làng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất, số người già, người bệnh nhiều nên Đak Pơ Nan vẫn là làng nghèo nhất. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay, tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi... để từng bước nâng cao đời sống của người dân.
ANH HUY