Trở thành tỷ phú vì... sợ ăn cơm độn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù mang trong mình nhiều vết thương do chiến tranh nhưng cựu binh Bùi Thị Thu Hà (tổ 13, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vẫn luôn nỗ lực lao động để phát triển kinh tế gia đình. Ít ai biết rằng, con đường dẫn nữ cựu binh này trở thành tỷ phú lại bắt nguồn từ nỗi sợ phải ăn cơm độn.

Ba lần bị địch bắt

Bà Hà sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha bà tham gia cách mạng từ khá sớm, từng đi tập kết ra Bắc và đến năm 1961 quay trở về miền Nam hoạt động. Cả 6 anh chị em bà Hà đều từng tham gia vào đội du kích, giao liên xã Phước Thắng và thị xã Quy Nhơn (nay là TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

 

Những lúc khỏe bà Hà lại ra chăm sóc vườn hoa trong ngôi nhà mình. Ảnh: N.M

Năm 1964, Tuy Phước vẫn là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Mọi hoạt động của những chiến sĩ nằm vùng diễn ra hết sức bí mật. Thời điểm này, địch gắt gao càn quét, bắt bớ những người chúng nghi ngờ theo cách mạng. Từ nhỏ đã được cha giác ngộ, lại nhìn thấy việc làm của các anh chị trong gia đình có ý nghĩa nên bà Hà xin gia nhập đội du kích xã. Công việc của bà là hàng ngày đứng cảnh giới hoặc đi rải truyền đơn. “Ban ngày, địch thường tổ chức càn quét nên mọi hoạt động của ta đều phải rút lên núi. Ban đêm, khi chúng rút đi, đội giao liên trong xã mới chèo thuyền vào tiếp tế, tiếp ứng chiến đấu cùng bộ đội”-bà Hà kể lại.

Mùa hè năm 1966, trong một lần đi tiếp tế trở về thì đội của bà rơi vào ổ phục kích. Người đội trưởng của bà đã hy sinh, 2 đồng chí khác thoát được còn bà thì bị địch bắt. Lúc ấy bà tròn 19 tuổi. “Vào trại giam, tôi chỉ khai mình 16 tuổi nên chúng không thể khép tội cho một cô bé”-bà Hà kể. Tuy không thể kết tội ngay nhưng chúng bắt đầu hành hạ bà bằng những màn tra tấn dã man hòng khai thác thông tin tổ chức. “Chỉ mấy ngày bị chúng hành hạ mà bộ quần áo mặc trên người tôi rách nát hết”-bà Hà kể. Cứ vậy suốt 9 tháng trời, bà vẫn một mực kêu oan và nhất định không hé nửa lời. Hết kiên nhẫn và không thể khai thác được gì, chúng đành phải thả bà.

Ra tù, bà tìm cách kết nối lại với cơ sở và tiếp tục hoạt động.  Chỉ huy đưa bà lên nằm vùng hoạt động tại thị xã Quy Nhơn. Đến tháng 1-1968 thì cơ sở của bà bị lộ, hồ sơ về 60 người trong cơ sở hoạt động bí mật tại Quy Nhơn rơi vào tay địch. Sau khi bắt bà, địch đem nhốt ở Trung tâm khai thác Bình Định. Móc giò (treo ngược) một ngày nhưng không khai thác được gì từ bà, chúng dùng điện để tra tấn. “2 đoạn dây điện được nối vào bình điện, đầu còn lại tuốt vỏ vo thành một cục. Mỗi lần tra hỏi, chúng dí vào còng sắt ở 2 tay, chân, vào răng và cả mặt. Dây điện vừa chạm vào là toàn bộ ruột gan co thắt lại, không biết gì hết”-bà Hà nhớ lại. Dẫu vậy, suốt 13 tháng ngồi tù lần này, bà vẫn kiên quyết không khai. Và một lần nữa, địch lại buộc phải thả bà.

Ra tù với hàng trăm vết thương, sức khỏe giảm sút, bà xin cấp trên cho đi học lớp hộ sinh rồi về công tác tại Bệnh viện thị xã Quy Nhơn (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định). Ở đây, bà tiếp tục hoạt động cách mạng và một lần nữa cơ sở lại bị lộ, bà và người anh trai bị bắt vào năm 1973. Lần này, địch đưa bà lên Tuy Phước nhốt. Dù đã dùng đủ mọi đòn tra tấn nhưng không khai thác được gì, địch đưa bà vào quân lao Nha Trang (Khánh Hòa). Tiếp tục tra tấn 3 tháng nhưng cũng chẳng khai thác được gì, chúng đưa bà ra tòa xét xử. Trước tòa, những lời nói đanh thép  của bà một lần nữa khiến địch đuối lý, buộc  phải trả  tự do.            

Tỷ phú giữa đời thường

Sau giải phóng, bà Hà cùng gia đình chuyển lên Gia Lai sinh sống. Bà vào  công tác tại Bệnh viện huyện An Khê (nay Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã An Khê). Đến năm 1990, thấy sức khỏe không đảm bảo, bà xin nghỉ công tác. Bước vào tuổi tứ tuần, những di chứng của năm tháng lao tù đầu bắt đầu hành hạ bà, 2 hàm răng  cứ rụng dần. Còn bệnh thận, bệnh mắt… đủ thứ dập dồn mỗi khi trái gió trở trời. Nỗi đau bệnh tật thường trực cộng với nỗi đau sau 2 lần hôn nhân đổ vỡ nhưng bà vẫn quyết tâm lao động để phát triển kinh tế gia đình. “Làm cách mạng xác định là gian khổ nên tôi coi đi tù như đi nghỉ mát, cảnh sát đánh như đấm lưng. Nhưng cứ thấy má bưng nồi cơm độn mì lát, khoai khô là sợ, thấy mình có lỗi”-bà Hà tâm sự.

Cũng vì “nỗi sợ” đó mà bà luôn gắng gượng vượt qua nỗi đau để làm lụng không ngơi tay, từ nuôi heo, gà, vịt… đến trồng keo, bạch đàn. Năm 2001, dành dụm và vay mượn được chút vốn, bà hợp tác trồng 10 ha keo, sau đó mở rộng lên, có thời điểm trên 40 ha.  Hiện nay, bà còn 30 ha bạch đàn chuẩn bị khai thác. “Mình bỏ tiền mua giống, thuê người trồng, chăm sóc. Người ta có đất cùng hợp tác làm ăn. Bình quân đầu tư năm đầu cho 1 ha bạch đàn khoảng 10 triệu đồng, sau 5 năm thu gấp mấy lần. Trừ chi phí, số tiền còn lại chia đôi”-bà Hà chia sẻ. Hơn 10 năm đầu tư trồng keo, bạch đàn, bà Hà có cơ ngơi tiền tỷ trong tay và hàng năm tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ. Cuộc sống ổn định, bà không quên giáo dục con cháu sống, lao động và học tập nghiêm túc, phấn đấu trở thành những người công dân tốt, có ích cho xã hội.

Mới đây, bà đầu tư xây dựng khu nhà nuôi chim yến. “Nuôi mới giáp năm mà đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng rồi. Sau này có thu thì đó là vốn để lại cho các cháu”-bà Hà nói trong nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm