Từ một nông dân có nguồn thu nhập thấp, nhưng từ khi lão nông Hai Trắng (Nguyễn Minh Trắng), ở ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), chuyển sang trồng giống mít ruột đỏ thì ông có nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Sau một vòng dạo quanh khu vườn mít trái ruột đỏ sai oằn, lão nông Hai Trắng cho biết: “Khu vườn này rộng hơn 2ha, trước đây trồng lúa, sau đó lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, măng cụt… Nhưng do giá cả của những mặt hàng nông sản này thường lên xuống thất thường, thu nhập không mấy khả quan”.
Ông Nguyễn Minh Trắng kiểm tra lưới bao trái bảo vệ mít ruột đỏ của mình ở xã Vị Đông, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Quang Hải (Báo Hậu Giang). |
7 năm về trước, tình cờ trong lần đi hội chợ tại thành phố Cần Thơ ông Nguyễn Minh Trắng được người bán cây giống tại hội chợ giới thiệu giống mít ruột đỏ. Ông này còn cho biết thêm đây là giống mít “siêu sớm” trồng 18-24 tháng là có trái, trọng lượng từ 7-15kg/trái. Khi mít chín, ruột có màu đỏ như màu gạch nung, cơm dày, mùi vị ngọt giòn, thơm dịu…
Lần đầu nghe giống mít lạ, lão nông Hai Trắng mua liền 50 gốc về trồng thử quanh nhà. Cây mít ruột đỏ lớn nhanh không sâu bệnh, không bao lâu bắt đầu ra trái. Nhưng chỉ duy nhất có 1 cây ra hơn chục trái, mỗi trái cân nặng 15-17kg, khi chín thì múi, sơ mít đều có màu đỏ sậm, đúng như lời ông bán cây giống giới thiệu.
49 cây còn lại, cũng ra trái bình thường, nhưng khi chín ruột, sơ mít lại là màu vàng, giống như những giống mít thông thường khác. Vậy là lão nông Hai Trắng quyết định chỉ giữ lại cây mít ruột đỏ này, số cây còn lại ông đốn hạ hết.
Mít ruột đỏ nhà ông Trắng trồng khi trái chín bổ ra nhiều múi, múi dầy, ít xơ và có màu đỏ rất đẹp. Ảnh: Phan Thị Anh Thư (Báo DANVIET.VN). |
Để chuyển đổi giống cây trồng có hiệu quả, lần này lão nông Hai Trắng phá hết vườn sầu riêng, măng cụt để trồng cây mít ruột đỏ, không ít người cho rằng lão “liều mạng”.
Mặc kệ người đời, lão bắt đầu chiết cành, ghép nhánh để nhân giống mít ruột đỏ. Từ vài trăm gốc ban đầu, nay đã cây mít đỏ đã phủ kín hơn 2ha. Cây mít đỏ lớn nhanh nhờ bón lót nhiều phân hữu cơ, không dùng phân hóa học. Mít ruột đỏ ra trái quanh năm, với sản lượng 10-15 trái/cây, mỗi trái mít ruột đỏ nặng từ 7-15kg, khi trái mít ruột đỏ lớn đến độ nhất định còn dùng lưới bao trái để tránh sâu hại.
Ông Trắng cho biết do chất lượng mít ngon và đảm bảo được độ an toàn cho người tiêu dùng nên nhiều thương lái tìm đến nhà đặt mua với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, không hạn chế số lượng. Trong khi vườn mít nhà ông, phải có thời gian cách nhau 7-8 ngày mới thu hoạch một lần, theo đúng quy trình kỹ thuật dưỡng cây, nuôi trái riêng.
Vì vậy, ông Trắng không cho cây mít mang nhiều trái, chỉ cho mỗi lần thu hoạch với mức độ vừa phải, khoảng 800kg đến 1 tấn trái là nhiều. Từ đó, số lượng trái mít ruột đỏ bán ra của ông không đáp ứng đủ nhu cầu của thương lái.
Ông Trắng cho hay, mít ruột đỏ với những múi mít rất lạ mắt, hấp dẫn. Đây cũng là một trong những lý do giống mít lạ này vẫn giữ được giá cao trong cả gần chục năm. Ảnh: Phan Thị Anh Thư (Báo DANVIET.VN). |
Ông Trắng còn cho biết thêm giống mít ruột đỏ này có khả năng bảo quản tốt. Từ khi hái đến lúc trái mít chín thời gian có thể kéo dài được từ 10-15 ngày nên rất thuận lợi cho việc đóng gói, vận chuyển đi xa, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo tính toán của lão nông Hai Trắng, nếu vụ mít ruột đỏ năm nay giá cả vẫn giữ nguyên không gì biến động thì hơn 2ha mít ruột đỏ của ông, nếu năng suất đạt được trên 50 tấn trái, khả năng ông thu về lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài mua bán mít trái ruột đỏ, ông Nguyễn Minh Trắng, ngụ xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang còn bán thêm cây giống mít ruột đỏ cho nhiều bà con trong và ngoài tỉnh. Tuy giá bán ra đến 200.000 đồng/cây giống mít ruột đỏ và số lượng đặt mua phải từ 200 cây trở lên/người mua ông mới nhận ghép, nhưng cũng có rất nhiều người đặt mua để trồng.
Ông Trần Minh Trắng dự định thời gian tới sẽ sản xuất cây giống mít ruột đỏ này theo phương pháp riêng của mình và sẽ đăng ký chất lượng sản phẩm với các cơ quan chức năng để bảo vệ thương hiệu mít ruột đỏ của mình, nhưng ông còn do dự do không am hiểu nhiều về thủ tục.
Theo Quang Hải (Báo Hậu Giang/DânViệt)