Thời sự - Bình luận

Trục lợi trong mùa dịch là tội ác!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hành vi đầu cơ, găm hàng; sản xuất, mua bán nước sát khuẩn, khẩu trang, găng tay giả, kém chất lượng... phải xử lý nghiêm.



Ngày 5-8, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM cho biết đang tiếp tục phối hợp với lực lượng An ninh Bộ Công an và Công an quận Bình Tân, TP HCM kiểm đếm, củng cố hồ sơ xử lý đường dây sản xuất, mua bán găng tay y tế giả với số lượng lớn do Thạch Thị Hoa (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiết bị TTH) cầm đầu.

Hành vi mất nhân tính

Trước đó, ngày 3-8, lực lượng an ninh kinh tế bất ngờ kiểm tra căn nhà ở Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, phát hiện 32 người đang thực hiện các công đoạn sàng lọc găng tay y tế, cho vào từng hộp, thùng mang nhãn hiệu của một số doanh nghiệp nổi tiếng trên thị trường. Số lượng các thùng găng tay y tế đã đóng gói hoàn thiện tại kho là 2.037 thùng, tương đương 2,3 triệu chiếc, trị giá trên 3 tỉ đồng.

Bà Hoa khai mua găng tay y tế đã qua sử dụng được vệ sinh lại tại một điểm trên Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) và găng tay trôi nổi kém chất lượng trên thị trường. Sau khi khám xét khẩn cấp các địa điểm liên quan tại quận 6, Tân Bình, Bình Tân, lực lượng chức năng đang truy tìm nơi cung cấp găng tay đã qua sử dụng, kém chất lượng; nơi sản xuất bao bì, nhãn mác giả và nơi tiêu thụ găng tay y tế giả do đường dây này sản xuất.


 

Số thùng găng tay y tế đã qua sử dụng bị phát hiện trong căn nhà ở Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân
Số thùng găng tay y tế đã qua sử dụng bị phát hiện trong căn nhà ở Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân



Cũng liên quan đến việc sản xuất hàng giả quy mô lớn, chiều 30-7, Cục nghiệp vụ Tổng cục QLTT và Cục QLTT TP HCM kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh (quận Tân Phú, TP HCM), phát hiện hàng trăm thùng với hơn 151.000 khẩu trang giả nhãn hiệu 3M của Mỹ.

Mới đây, cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra tại nhiều địa điểm ở Hòa Bình, Hà Nội và Hưng Yên, phát hiện hàng tấn găng tay tái chế không bảo đảm chất lượng. Theo lời khai nhận của quản lý kho và công nhân Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM (Công ty BM), mỗi tấn găng tay cao su đã qua sử dụng được thu gom mua với giá khoảng 5 triệu đồng, sau đó lựa chọn găng tay sạch đổ ra bàn vuốt, kéo giãn những chỗ nhăn nhúm cho phẳng rồi xếp lại thành chồng, cho vào túi ni-lông, xếp vào hộp rồi dán tem. Hoàn toàn không có các công đoạn tẩy rửa, vệ sinh hay khử trùng. Với thủ đoạn này, Công ty BM đã thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh

Chiều 5-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Công an TP HCM cho biết trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Công an TP HCM tăng cường nắm tình hình, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng tuyên truyền, xuyên tạc, đưa tin sai sự thật về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, gây hoang mang dư luận.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), khẩu trang y tế, găng tay y tế là sản phẩm sử dụng một lần, sau khi được sử dụng có thể chứa nhiều mầm bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việc tổ chức, cá nhân biết rõ loại khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng, không bảo đảm an toàn mà bán cho người khác, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đề nghị khởi tố để điều tra xử lý hình sự (điều 192 BLHS, khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù).

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản. Nếu là pháp nhân thương mại, có thể bị phạt tiền cao nhất là từ 6 tỉ đồng đến 9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa dối khách hàng" (điều 198 BLHS).

Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) phân tích: "Trường hợp kiểm tra giám định số khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng phát hiện có chứa dịch bệnh thì tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi còn bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" (điều 240 BLHS, mức hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù). Nếu hành vi thu gom, sản xuất khẩu trang, găng tay y tế không đủ căn cứ xử lý hình sự thì xử lý hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền đến 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu máy móc, tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường".

Theo luật sư Vũ Phi Long, việc sản xuất khẩu trang, găng tay y tế trên không chỉ là hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến người sử dụng. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của bệnh dịch ngày càng phức tạp thì đây là tội ác. Vậy nên, đối với các trường hợp sản xuất khẩu trang, trang thiết bị y tế giả cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh để răn đe và bảo vệ an toàn xã hội.

 


Tiêu hủy rác y tế

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hằng ngày có một lượng lớn khẩu trang, găng tay y tế được thải ra ngoài. Đối với số rác này, bác sĩ Phan Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện hợp đồng với Công ty Môi trường TP HCM, sau khi thực hiện việc gom rác sẽ bàn giao cho công ty và công ty này sẽ chịu trách nhiệm về việc xử lý, tiêu hủy số rác y tế này theo thẩm quyền.


Theo PHẠM DŨNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm