Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Trung Quốc có thêm bước tiến về thám hiểm vũ trụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 31.3, Trung Quốc phóng thêm một vệ tinh quan sát trái đất mới vào vũ trụ.

Trung Quốc phóng vệ tinh Cao Phân-12 02 ngày 31.3. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc phóng vệ tinh Cao Phân-12 02 ngày 31.3. Ảnh: Xinhua
Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát trái đất mới vào không gian từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc lúc 6h45 sáng 31.3 theo giờ Bắc Kinh.
Vệ tinh Cao Phân-12 02 (Gaofen-12 02) được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-4C (Long March-4C) và đi vào quỹ đạo định sẵn thành công.

Vệ tinh Cao Phân-12 02 được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-4C. Ảnh: Xinhua
Vệ tinh Cao Phân-12 02 được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-4C. Ảnh: Xinhua
Vệ tinh Cao Phân-12 02 sẽ được sử dụng trong điều tra đất đai, quy hoạch đô thị, thiết kế mạng lưới đường và ước tính năng suất cây trồng, cũng như cứu trợ thiên tai.
Đây là sứ mệnh phóng thứ 364 của loạt tên lửa mang tên Trường Chinh.
Cao Phân trong tiếng Trung là từ viết tắt của "độ phân giải cao", dùng để chỉ chương trình Vệ tinh Quan sát trái đất độ phân giải cao. Trung Quốc bắt đầu dự án này từ năm 2010.
Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), những vệ tinh này có vai trò quan trọng để quan sát và chụp ảnh trái đất, thu thập các dữ liệu phục vụ công tác điều tra thống kê, trắc đạc và thiết lập bản đồ đất đai, hỗ trợ công tác xây dựng đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, ngoài những mục đích dân sự như trên, chúng cũng có thể được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Hồi tháng 9.2020, Trung Quốc công bố video do vệ tinh Cao Phân-3 ghi lại cho thấy nó theo dõi đường bay của một chiến đấu cơ, dường như là tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát trái đất mới vào không gian từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát trái đất mới vào không gian từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc có các kế hoạch không gian đầy tham vọng và đã thực hiện được một số sứ mệnh quan trọng. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Thường Nga 5 để lấy mẫu đất, đá trên mặt trăng, khôi phục nỗ lực từ năm 1970. Thường Nga 5 đã mang theo đất đá từ mặt trăng quay trở về trái đất hôm 13.12.2020.
Ngày 9.3 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã ký bản ghi nhớ về việc xây dựng chung một trạm vũ trụ mặt trăng. Dự án sẽ liên quan đến việc phát triển một hệ thống giám sát không gian, đồng thời hỗ trợ việc thám hiểm không gian sâu.
NGỌC VÂN (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/trung-quoc-co-them-buoc-tien-ve-tham-hiem-vu-tru-894319.ldo

Có thể bạn quan tâm