Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 10 năm qua, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã góp phần đáng kể vào việc bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Ngô Xuân Hòa-Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh-cho biết: Trung tâm được thành lập ngày 20-9-2011 trên cơ sở tách hoạt động sự nghiệp từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trong 10 năm qua, Trung tâm nâng cao năng lực thử nghiệm từ 65 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 lên thành 127 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 trên nhiều nền mẫu như: nước uống thực phẩm, phân bón, đất, nông sản... Đặc biệt, Trung tâm đủ năng lực thực hiện thử nghiệm nước sạch, chất thải, nước thải cho các xã thực hiện các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; năng lực quan trắc môi trường được chỉ định thử nghiệm các thông số: đất, nước, không khí, điện từ trường phục vụ việc quan trắc môi trường hàng năm của các doanh nghiệp.
Hiện nay, Trung tâm cũng là đơn vị duy nhất tại tỉnh được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ định là tổ chức đủ năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chỉ định đủ điều kiện thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước cho khu vực Tây Nguyên.
Hoạt động đo lường của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng góp phần bảo đảm sự công bằng, văn minh thương mại. Ảnh: Hà Duy
Năm 2020, Trung tâm được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy xác nhận đủ điều kiện thực hiện tư vấn hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Trong 2 năm (2020-2021), Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ về tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho 975 học viên cấp xã; tư vấn xây dựng, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng từ phiên bản TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015 cho 87 tổ chức các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Ông Lý Trọng Huy-Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: “Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Trung tâm còn tham gia các đoàn thanh-kiểm tra khi có yêu cầu với vai trò hỗ trợ kỹ thuật; góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các hàng hóa có nguy cơ độc hại, đặc biệt là trẻ em. Hoạt động này còn góp phần xử lý kịp thời hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, chống lại các hành vi tiêu cực, gian lận thương mại”. 
Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh phát triển đa dạng các dịch vụ kỹ thuật về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chất lượng. Ảnh: Hà Duy
Thời gian qua, Trung tâm đã phân tích chất lượng và tư vấn tiêu chuẩn cơ sở, hỗ trợ làm hồ sơ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh như: cà phê, bò khô, trà bí đao… Chị Nguyễn Thị Khánh-cán bộ phụ trách chất lượng của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: “Trước đây, khi cần phân tích các chỉ tiêu vi nấm, vi sinh hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong cà phê, chúng tôi phải gửi mẫu vào TP. Hồ Chí Minh, thời gian trả kết quả khá lâu. Những năm gần đây, khi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh nâng cao năng lực thử nghiệm, chúng tôi đã gửi mẫu tại đây nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian và kinh phí”.
Ông Ngô Xuân Hòa thông tin thêm: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục duy trì các lĩnh vực thử nghiệm đã được cấp phép và công nhận năng lực (đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, chỉ định Cục Bảo vệ thực vật, chỉ định Cục An toàn thực phẩm); mở rộng năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh trong thực phẩm, chỉ tiêu độc tố trong rượu và đồ uống có cồn đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 để tiến đến xin chỉ định của Bộ Công thương phục vụ quản lý nhà nước, cá nhân và tổ chức trên địa bàn trong và ngoài tỉnh về chất lượng sản phẩm rượu và đồ uống có cồn”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm