Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hlang: Nói dân hiểu, làm dân tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đảm đương nhiệm vụ Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Hlang (xã Hnol, huyện Đak Đoa), ông Nương không những tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể của xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà còn tập hợp người dân trong làng tham gia các phong trào tại địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Đi đầu trong các phong trào
Tuy chỉ mới bước qua tuổi 40 nhưng đến nay ông Nương đã có đến 9 năm được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận. Đặc biệt, với vai trò là Chấp sự Tin lành điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tại làng, ông còn phối hợp với các thành viên Mặt trận xã lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua trong mỗi lần sinh hoạt tôn giáo. Ngoài ra, ông còn vận động người dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông nông thôn.
Kết quả, năm 2018, Ban công tác Mặt trận làng đã vận động người dân đóng góp được 700 ngày công và 160 triệu đồng để cùng địa phương làm 900 m đường bê tông xi măng từ làng đến khu sản xuất. Đầu tháng 7-2019, ông vận động được 7 triệu đồng và 70 ngày công làm 150 m2 sân xi măng cho điểm Trường Mẫu giáo trong làng. “Khi dân làng hiểu thì mọi việc đều thông suốt, tự động hỗ trợ máy cày chở cát đá. Chỉ cần thông báo ngày thực hiện là dân làng tự giác tập trung đông đủ”-ông Nương tự hào nói.
Ông Nương-Trưởng ban công tác mặt trận làng Hlang, xã Hnol (bìa trái) cùng người dân trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cà phê. Ảnh: M.T
Đặc biệt, ông còn thành công trong việc vận động người dân xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ông Nương cho biết: Thói quen lâu nay của người dân khi đi làm rẫy về là ghé vào giọt nước ở đầu làng để tắm, còn nhà tiêu hợp vệ sinh thì nhiều nhà cũng chưa có. Do vậy, mỗi lần họp làng, ông đều nhắc nhở, thậm chí đến từng nhà “tiếng nhỏ tiếng to” vận động, giải thích. “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay đã có 100/144 hộ dân trong làng xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, phấn đấu đến cuối năm nay làng Hlang sẽ hoàn thành tiêu chí về môi trường.
Cũng nhờ nỗ lực của Trưởng ban Công tác Mặt trận mà người dân làng Hlang đã từ bỏ được tập quán lên rừng chặt gỗ về làm hòm chôn cất mỗi khi gia đình có người qua đời. Cụ thể, ông Nương đã đứng ra vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc ma chay, kêu gọi mỗi hộ dân đóng góp 100.000 đồng mỗi khi trong làng có người chết để giúp đỡ gia đình tổ chức chôn cất tử tế, đàng hoàng. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng sang nhiều làng khác trên địa bàn xã Hnol.  
Sâu sát, gần dân
Không chỉ tích cực trong hoạt động xã hội, ông Nương còn tiên phong xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Nhờ học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc 2,5 ha cà phê, hơn 200 trụ hồ tiêu và 8 sào lúa, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng. Không những vậy, mỗi tối ông còn dành thời gian đến thăm các gia đình khó khăn, vận động người dân bớt uống rượu, chăm lo phát triển kinh tế gia đình; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, cải tạo vườn tạp, tái canh cà phê, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Năm 2016, khi mới tách hộ, gia đình anh Mlưng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ được ông Nương hướng dẫn cách thức làm ăn, hỗ trợ vay vốn nên đến nay kinh tế gia đình đã khá giả, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ 3 ha cà phê và 2 sào chanh dây. Hay anh Lin cũng đã vượt qua khó khăn ban đầu nhờ tích cực chăm sóc 3 ha cà phê, 1 ha lúa, nuôi 6 con bò, 20 con heo... thu về trên 300 triệu đồng/năm và trở thành điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. “Nhờ anh Nương quan tâm chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn nên tôi cũng dần học tập được. Nhờ đó, cuộc sống ngày càng khá lên”-anh Lin phấn khởi cho hay. Cũng nhờ đó, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình lan rộng khắp làng, người dân chăm lo làm ăn, số hộ nghèo trong làng giảm dần. Năm 2018, làng có 42 hộ nghèo, nhưng đến nay đã giảm còn 31 hộ.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-nhận xét: Ông Nương còn làm rất tốt công tác hòa giải mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai tại địa phương, hàn gắn mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm.
MINH TRIỀU

Có thể bạn quan tâm