Sức khỏe

Dinh dưỡng

Trường học ở Gia Lai chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng-chống dịch bệnh. Đặc biệt, tại các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) được kiểm soát chặt chẽ.
Đảm bảo trường học an toàn
Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác; xây dựng môi trường học đường an toàn, phòng-chống tai nạn thương tích, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của học sinh, sinh viên. Thực hiện yêu cầu trên, ngay từ đầu năm học, các đơn vị trường học trong tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm chung tay phòng-chống dịch bệnh.
Năm học này, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có 1.499 học sinh; trong đó, khối 1 và 2 (12 lớp) học bán trú với 455 em. Cô Bùi Thị Phương Hoa-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Vấn đề phòng-chống dịch bệnh được chúng tôi triển khai ngay từ đầu năm học. Theo đó, nhà trường hợp đồng với Trạm Y tế phường Ia Kring trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh theo định kỳ, phối hợp triển khai các chiến dịch tiêm chủng, nhất là tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các em. Không chỉ phòng-chống dịch Covid-19, nhà trường còn chú trọng phòng-chống các dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A... Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền để học sinh, phụ huynh nắm tình hình dịch bệnh, chủ động các biện pháp phòng bệnh. Đối với những học sinh sốt, ho hoặc mắc các bệnh lây nhiễm, phụ huynh cho con theo dõi tại nhà nhằm tránh lây nhiễm cho những em khác. Bên cạnh đó, nhà trường còn duy trì hoạt động rèn luyện sức khỏe, vận động, thể dục thể thao… để nâng cao sức đề kháng.
14-9-2022Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) chú trọng công tác đảm bảo ATTP trong trường học. Ảnh Như Nguyện
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) chú trọng đảm bảo ATTP trong trường học. Ảnh:Như Nguyện
Cũng theo cô Hoa, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn có khoảng 80% học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Nhà trường đang tiếp tục vận động, tuyên truyền để các em còn lại đi tiêm chủng đầy đủ. “Đặc biệt, vì nhà trường có tổ chức bếp ăn tập thể phục vụ học sinh bán trú nên công tác đảm bảo ATTP luôn được đặt lên hàng đầu. Nhà trường hợp đồng nguyên liệu đầu vào đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nước máy trong nấu ăn; các cô cấp dưỡng khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức ATTP. Năm học này, nhà trường đưa vào sử dụng khu bếp mới xây dựng theo nguyên tắc một chiều, đảm bảo ATTP”-cô Hoa thông tin.
Đối với bậc học mầm non, việc chủ động phòng-chống dịch, đảm bảo trường học an toàn cũng luôn được các trường coi trọng. Cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho hay: Nhà trường có 2 cơ sở với gần 900 học sinh. Các cháu trong độ tuổi mầm non sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh. Vì vậy, nhà trường vận động, tuyên truyền phụ huynh chung tay phối hợp đưa các cháu học sinh từ 5 tuổi trở lên tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Bên cạnh phòng-chống dịch Covid-19, các dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ; công tác đảm bảo ATTP… cũng được nhà trường quan tâm đầy đủ.
Chung tay phòng-chống dịch
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng. Vì vậy, công tác phòng-chống dịch bệnh trường học là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-khuyến cáo: Để phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các trường học cần quan tâm vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy. Ngoài ra, thời điểm này, các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như: thủy đậu, tay chân miệng… cũng dễ bùng phát, nhất là tại các trường tiểu học, mầm non có tổ chức bán trú. Vì vậy, các trường cần vệ sinh trường lớp, đồng thời phối hợp với phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh thường xuyên. Khi phát hiện các trường hợp bệnh lây nhiễm cần kịp thời báo cơ sở y tế gần nhất để cách ly, khoanh vùng, xử lý dịch.
Các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động phun hóa chất phòng ngừa dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Thi
Các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động phun hóa chất phòng ngừa dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Minh Thi
Theo ông Gia, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng hàng ngày tỉnh ta vẫn ghi nhận từ 20 đến 30 ca mắc mới. Vắc xin vẫn là biện pháp chiến lược trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 còn thấp nên khi trẻ đi học lại sẽ phải đẩy nhanh tiến độ tiêm cho trẻ. “Giữa tháng 9-2022, tỉnh tiếp nhận đợt vắc xin Covid-19 để triển khai tiêm phòng cho học sinh. Các đơn vị trường học cần phối hợp chặt chẽ để tiêm phòng cho đối tượng này, các bậc phụ huynh cần đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ”-ông Gia nhấn mạnh.
Ủy ban nhân dân TP. Pleiku vừa có Công văn số 2772/UBND-VHXH về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh và đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, coi vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng có ý nghĩa quyết định trong phòng-chống dịch. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cần tiếp tục rà soát, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ để phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tiêm phù hợp, đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
NHƯ NGUYỆN
 
 

Có thể bạn quan tâm