(GLO)- Trước nguy cơ không gian văn hóa cồng chiêng bị mai một bởi tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như sự xâm thực của các dòng văn hóa ngoại lai, không gian văn hóa bản địa bị thu hẹp…, các nhà nghiên cứu cùng chính quyền địa phương ở các tỉnh vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, trong đó việc truyền dạy trong cộng đồng và các trường học đang được chú trọng.
Từ xưa đến nay, việc truyền dạy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc bản địa diễn ra âm thầm như một dòng chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác, vốn dĩ là yếu tố nội sinh nên nó mang tính tự giác và bền chặt. Điều này lý giải vì sao các buôn làng Tây Nguyên từng trải qua nhiều biến động bởi chiến tranh, loạn lạc, tác động của yếu tố tôn giáo… nhưng đa phần vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng. Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai, qua tổng kiểm tra cách đây 6 năm thì có 948 làng/1.192 làng còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, trong đó có 932 bộ quý hiếm. Như vậy, so với năm 2005 (UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại) thì toàn tỉnh có thêm 417 bộ cồng chiêng.
Nghệ nhân Nay Phai hướng dẫn các học viên thực hành đánh chiêng. Ảnh: Thái Bình |
Khi buôn làng còn duy trì các tập tục, nghi lễ vòng đời hay lễ hội theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp thì việc trao truyền còn diễn ra và văn hóa cồng chiêng được duy trì, cho dù không gian văn hóa có bị thu hẹp. Các nghệ nhân lớn tuổi luôn cầm trịch, truyền dạy cho lớp trẻ; người giỏi truyền lại cho người mới biết và cứ thế bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ vững. Bên cạnh đó, hình thức truyền dạy còn được tổ chức thông qua những lần tập luyện để tham gia biểu diễn tại các hội thi văn hóa cồng chiêng cấp huyện, tỉnh và khu vực. Những nghệ nhân-tinh hoa của buôn làng-thường được mời tham dự, hướng dẫn đội cồng chiêng, cũng như truyền dạy các kỹ năng cho từng thành viên của đội. Sự giao lưu văn hóa cồng chiêng của dân tộc bản địa ở các vùng miền cũng là dịp để từng đội cồng chiêng nhận chân giá trị của đội nhà, từ đó tự bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Tuy nhiên, số lượng cồng chiêng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng giảm do nạn “chảy máu” cồng chiêng. Ngay cả thị xã Ayun Pa, nơi được xem là “thủ phủ” của người Jrai Chor, chỉ trong 7 năm đã giảm đi 204 bộ cồng chiêng. Không còn sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đồng nghĩa với việc các yếu tố văn hóa truyền thống đang mất dần đi, không gian văn hóa cồng chiêng mai một, làm đứt gãy quá trình trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Đây là điều rất đáng lo ngại.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, được sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước, các lớp truyền dạy đã được tổ chức mang tính chuyên nghiệp, bài bản, có chương trình giảng dạy hẳn hoi. Năm 2015, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; đồng thời soạn giáo trình giảng dạy cồng chiêng trong trường chuyên nghiệp với số lượng 60 tiết, được phân bổ mỗi tuần 3 tiết, gồm cả lý thuyết lẫn thực hành. Nội dung các tiết học này đi sâu tìm hiểu nguồn gốc và các loại cồng chiêng của người Bahnar, Jrai; vai trò cồng chiêng trong đời sống của họ; hệ thống các nghi lễ của dân tộc bản địa và thực trạng việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng… Cùng với đó, các trường dân tộc nội trú cũng như một số trường bán trú ở các xã vùng sâu đã đưa cồng chiêng vào giảng dạy ngoại khóa và sinh hoạt văn hóa-văn nghệ nhằm truyền dạy cho lớp trẻ tình yêu văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Bùi Quang Vinh