Thời sự - Bình luận

Truyền thống "khởi sự đầu xuân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một trong những nét đẹp văn hóa có từ lâu đời đó là tập quán “khởi sự đầu xuân”. Nghĩa là giữa ngày Tết, người ta sẽ dành chút thời gian làm việc như một cách khai trương lấy may.



 

Thượng tọa Thích Quang Tùng khai bút với bức thư pháp bốn chữ “Quốc thái, dân an”. Ảnh chụp Xuân Bính Thân 2016 của NGÔ QUANG DŨNG
Thượng tọa Thích Quang Tùng khai bút với bức thư pháp bốn chữ “Quốc thái, dân an”. Ảnh chụp Xuân Bính Thân 2016 của NGÔ QUANG DŨNG

Ví như, ông đồ đầu năm khai bút, anh chài quăng mẻ lưới, người nông dân cuốc vài luống đất, anh quán thì mở cửa bán hàng... Giữa ngày Tết mấy hành động ấy như lời nhắc nhở với bản thân, gia đình rằng: vui xuân đấy nhưng không quên nhiệm vụ; đừng để cho cái sự vui Tết quá đà mà níu kéo khiến người ta biếng nhác. Ngẫm ra, đây cũng là một cách giáo dục hay đối với bản thân cũng như con em, người thân.

Lễ tịch điền cũng là ngụ ý “khởi sự đầu xuân”. Tương truyền có lần Vua Lê Đại Hành đi cày, trúng một hũ vàng, một hũ bạc, bèn đặt tên cho thửa ruộng đó là “Kim ngân điền”, di tích đến nay vẫn còn. Dễ thấy đây là câu chuyện không có thực và cũng dễ nhận ra ẩn ý của câu chuyện là khuyến khích dân gian coi trọng nông nghiệp, mỗi tấc đất đều chứa vàng chứa bạc. Đất nước thêm phát triển, nhiều ngành nghề mở mang, đều nhận được sự khuyến khích coi trọng của nhà nước. Nhà bác học Lê Quý Đôn tổng kết rằng: Không trọng nông nghiệp thì không ổn định, không trọng công nghiệp thì không thể làm giàu, không trọng trí thức thì không thể hưng thịnh, không trọng thương mại thì thị trường khó mà linh hoạt (Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi sĩ bất hưng, phi thương bất hoạt). Trải bao thời đại cho đến nay, bất cứ nhà nước nào cũng coi trọng, khuyến khích các ngành nghề mở mang, khởi nghiệp. Đó cũng là nguồn gốc của nhiều lễ hội dân gian trong các làng nghề, như nghề làm trống ở Đọi Tam (Hà Nam), nghề đồng Ý Yên (Nam Định), nghề thêu Quất Động (Hà Nội)... Lễ hội làng nghề đầu xuân ngoài tri ân tổ nghề, các bậc tiên hiền thì còn có ý nghĩa khởi sự làm việc lấy sự may mắn, hanh thông, thuận lợi cho cả năm.

Văn minh lúa nước đã để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, mà Tết chính là dịp thể hiện sự dung hòa giữa con người và thiên nhiên. Dân gian khuyên nhau làm việc chuyên cần, nhưng cũng phải biết dừng, biết nghỉ đúng lúc. Có câu ca dao: Dù ai buôn bán nơi đâu/ Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về. Ở nhiều vùng quê vẫn có tục cho dụng cụ lao động, đồ đạc trong nhà nghỉ Tết. Muốn khởi sự đầu xuân, gia chủ phải vừa tâm tình “động viên”, sửa sang dụng cụ lao động như một cách khen thưởng. Sau đó, các dụng cụ lao động như cái cuốc, cái liềm lúc đó sẽ được đóng cán cho chặt, mài lưỡi cho sắc, thắt mấy vòng nhiễu đỏ cho đẹp. Mới hay, việc nghỉ đối với dân gian cũng rất quan trọng. Và nghỉ ở đây chính là thời gian tu dưỡng, tái tạo để chuẩn bị cho một khởi đầu mới nhiều thành công rực rỡ hơn trước. Bên cạnh đó, dân gian cũng chế giễu, phê bình thói ham chơi, lười biếng của những người có tâm lý “ăn bù, chơi bù” thay cho những lúc đầu tắt mặt tối năm qua: Tháng giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè...

Sinh hoạt trong Tết những năm gần đây có xu hướng mới, đáng lo, đó là “khởi hành đầu năm” thay cho “khởi sự đầu năm”. Du lịch Tết, ăn Tết xa nhà và những cuộc nghỉ dưỡng dài ngày đang là một xu thế. Như Tết Nhâm Dần này, dù nhiều nơi vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng du lịch đã khởi sắc.

Trong dịp Tết đã có những điểm “nóng” do du khách tập trung về đông, có nơi đã khai thác đến 90% công suất phòng nghỉ; các tour, tuyến du lịch dài như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... cũng hút khách. Theo thống kê của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, trong dịp Tết có 14.000 chuyến bay, phục vụ khoảng 2,7 triệu lượt khách. Đương nhiên lễ, Tết là dịp để người dân nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, người ta hoàn toàn có quyền tùy ý sử dụng và cũng tốt cho ngành du lịch, dịch vụ. Song bên cạnh sự vui mừng vì sự phát triển của ngành du lịch, dường như đã xuất hiện dấu hiệu quá đà. Tết được nghỉ dài nhưng vẫn không ít người tranh thủ hoán công, đổi việc, nghỉ phép, thậm chí là “tự chấm phép” để kéo dài ngày Tết. Thêm vào đó, tình trạng “Tết rơi, Tết vãi” cũng không phải hiếm gặp ở công sở, văn phòng với quan niệm cũ la đà trong “tháng ăn chơi”.

Trước Tết Nguyên đán, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “không để tháng Giêng là tháng ăn chơi”; vui xuân, đón Tết nhưng vẫn phải ứng trực để thực hiện các nhiệm vụ và sau Tết bắt tay ngay vào công việc. Tình hình phòng, chống dịch Covid-19 đang có chuyển biến tích cực; hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tiếp tục đà phục hồi; nhiều “điểm nghẽn” được tháo gỡ và trận thắng ấn tượng của Tuyển bóng đá Việt Nam ngày mồng 1 Tết Nhâm Dần như một khởi đầu kỳ vọng hanh thông trong năm mới!...

Làm việc hiệu quả ngay từ đầu năm, đem lại đà phát triển thuận lợi, ngẫm ra thật đáng lắm thay.

Theo Lê Đông (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm