Thời sự - Bình luận

Từ bia không cồn đến văn hóa giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ khi lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường kiểm soát, xử phạt hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người dân dần e dè sử dụng các loại bia rượu, nhất là trong dịp Tết.

Bia không cồn vì vậy có lý do xuất hiện trên các kệ hàng nhưng cũng gây ra sự tò mò nơi người tiêu dùng.

Cửa hàng tạp hóa Hồng Nhung (07 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) gần đây bắt đầu bày bán bia không cồn Heineken, trên nhãn hiệu ghi rõ nồng độ cồn là 0.0. Cứ tưởng bia không cồn sẽ rẻ hơn, nhưng giá lại cao hơn bia có cồn 15.000 đồng/thùng.

Thấy khách mua hàng phân vân, nhân viên bán hàng liền nhanh nhảu: “Chỉ mắc hơn một ít không đáng kể, còn hơn uống bia có cồn mà lái xe thì bị phạt tiền triệu”. Theo nhân viên trên, do người mua quan tâm nên cửa hàng nhập sản phẩm về bán thử.

Công an TP. Pleiku kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: L.A

Công an TP. Pleiku kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: L.A

Tuy nhiên, theo một khảo sát bỏ túi của P.V thì không phải người tiêu thụ rượu bia nào cũng mặn mà với bia không cồn, bởi không tìm thấy cảm giác “tê tê, say say” thông thường, dù loại bia này cũng cho cảm nhận tương tự về hương vị khi thưởng thức. Trong khi đó, nhiều người vẫn băn khoăn uống “bia chay” này có “đối phó” được với máy đo nồng độ cồn hay không, vì thực chất bia nào cũng là sản phẩm lên men.

Trao đổi với P.V, chị Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: Trên kệ hàng của Siêu thị đã bày bán bia không cồn nhãn hiệu Heineken lâu nay nhưng sản phẩm bán ra không đáng kể. Đa số khách hàng mua vì tò mò là chính, một số người mua để làm quà tặng.

Có thể nói, việc người dân quan tâm đến bia không cồn như một sản phẩm thay thế cho thấy ý thức đã được nâng lên sau những đợt kiểm soát gắt gao của lực lượng Cảnh sát Giao thông trước những vi phạm về nồng độ cồn. Theo thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 9-1, năm qua, lực lượng Công an trên toàn quốc đã ra quân kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Kết quả, có trên 770 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm 23,04% tổng số vụ vi phạm. Chỉ riêng trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã xử phạt 7.570 tài xế vi phạm nồng độ cồn. So với cùng kỳ năm ngoái, số tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý tăng đến 71%!

Tại Gia Lai, Công an tỉnh cũng tập trung chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của cá nhân, đơn vị nào vào quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Chỉ tính từ đầu tháng 12-2023 đến nay, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku đã phát hiện và lập biên bản xử lý hành chính 563 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe…; cùng với đó xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 1,1 tỷ đồng và tước 121 giấy phép lái xe.

Động thái quyết liệt này được kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông gây ra do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.

Trước những quy định siết chặt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, có người cho rằng quá “gắt” vì cụng với nhau vài ly rượu, khề khà đôi lon bia đã là một phần của văn hóa giao tiếp, nhất là trong không khí chúc tụng của 3 ngày Tết, 7 ngày xuân; nhưng cũng có người hoan nghênh và đề xuất xử lý thật nghiêm.

Thật ra bia không cồn chỉ là giải pháp tình thế và bia có cồn cũng không phải là thủ phạm gây thâm hụt “ngân sách” gia đình do nộp phạt vi phạm hành chính. Độ cồn trên sản phẩm không quan trọng bằng ý thức của người sử dụng.

Luật quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” và trách nhiệm của người tham gia giao thông là thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, giảm tiêu thụ rượu bia còn góp phần giảm các loại bệnh gây ra do chè chén quá trớn.

Chắc hẳn nhiều người sẽ giật mình khi biết rằng, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh.

Một quy định khi mới đi vào đời sống luôn cần thời gian để thích nghi và chấp hành, tương tự quy định phải đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy, xe mô tô trước đây. Đã có thời người ta thấy khó chịu, vướng víu khi phải thực thi, nhưng đến giờ ai cũng xem chiếc mũ bảo hiểm là vật bất ly thân khi ra đường. Văn hóa giao thông được xây dựng từ những điều như thế.

Có thể bạn quan tâm