Từ "cái ôm đầu tiên của mẹ"…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những đổi thay tích cực, Khoa Sản-Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhận được những nhận xét thân thiện, những cái gật đầu hài lòng từ phía bệnh nhân và người nhà.

Từ đầu năm 2016 đến nay, các phương pháp mới như “Da kề da”, kangaroo, tuyên truyền lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ… được áp dụng đã làm nên một cuộc “cách mạng” tại đây.

Nhiều lợi ích với “da kề da”

Chiều 14-2, có mặt tại Khoa Sản-Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong căn phòng dành riêng cho việc áp dụng phương pháp “Da kề da”, P.V chứng kiến vẻ mặt hạnh phúc, mãn nguyện của nhiều bà mẹ khi được ôm con vào lòng ngay khi bé chào đời. Chị Tăng Thị Yến Vân (33 tuổi, 324 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) cho biết, bé thứ 2 của chị vừa lọt lòng là đã được đặt nằm ngay trên bụng mẹ, được hưởng trọn vẹn những hơi ấm đầu tiên từ cơ thể và vòng tay mẹ. Theo chị, khi áp dụng phương pháp “Da kề da”, chị cũng rất an tâm ở chỗ: “Đưa trước gia đình phải “cắt cử” 1 người theo mẹ, 1 người theo bé vì sợ nhầm con, nay thì không sợ nữa”.

 

Một trẻ sơ sinh được chăm sóc theo phương pháp kangaroo. Ảnh: Internet

Theo nữ hộ sinh Bùi Thị Thu Trang, từ cuối năm 2014, Bệnh viện và Sở Y tế chọn cử 4 người-trong đó có chị-đi tập huấn về chương trình chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ em trong và sau khi sinh. Sau khi tập huấn xong, họ trở thành giảng viên tuyến tỉnh, phổ cập đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện về phương pháp “Da kề da” (EENC) và phương pháp kangaroo (KMC). Đến nay, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh đã đưa vào áp dụng. Trong năm 2017, các phương pháp mới mẻ này sẽ được phổ cập đến tuyến xã.

Cụ thể, EENC được thực hiện như sau: Bé vừa sinh ra được lau khô và nằm trên bụng mẹ từ 60-90 phút sau sinh, sau khi dây rốn hết đập (từ 1 đến 3 phút) mới cắt dây rốn nhằm tận dụng lượng chất sắt từ mẹ chuyển sang bé, lượng sắt này có thể đáp ứng nhu cầu của bé trong suốt 6 tháng đầu đời. Sau khi bé bú được cữ đầu tiên, nữ hộ sinh mới tách bé ra khỏi mẹ để mặc đồ, cân, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B… Phương pháp này hoàn toàn mới so với trước kia (cắt dây rốn ngay sau khi sinh, tách rời mẹ con, sớm nhất là 45 phút sau bé mới được gặp mẹ). Lợi ích của “Da kề da” là bé sớm được hưởng hơi ấm của mẹ, cơ thể mẹ như chiếc lồng ấp tự nhiên giúp trẻ tránh hạ thân nhiệt, kích thích nhịp tim, nhịp thở; bé được bú sữa đầu giúp tăng cường sức đề kháng, phòng tránh các bệnh về tiêu hóa... Đối với mẹ, phương pháp này giúp giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Tuy nhiên, EENC hiện chỉ mới áp dụng với những trường hợp sinh thường; trong năm 2017 sẽ tiếp tục thực hiện với các trường hợp sinh mổ.

Nữ hộ sinh Bùi Thị Thu Trang cũng cho biết, thực hiện phương pháp EENC không gây khó mà ngược lại khiến các nữ hộ sinh… nhàn hơn. Nếu trước kia phải có 2 nữ hộ sinh mới lo được cho một ca sinh (một người lo cho mẹ, một người lo cho bé) thì nay chỉ cần một người cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ. Để triển khai EENC, Bệnh viện đã cho bố trí lại cơ sở vật chất như: sửa sang, mở một phòng riêng dành cho EENC gồm 6-7 giường, bên ngoài căn phòng đặc biệt này được trang trí bằng một câu khẩu hiệu thật ấm áp: “Cái ôm đầu tiên của mẹ/Hơi thở đầu đời của bé”.

Thay đổi cách chăm sóc mẹ và bé

Bên cạnh phương pháp “Da kề da” cũng phải kể đến phương pháp kangaroo, vốn chỉ được áp dụng tại bệnh viện của các thành phố lớn, nay cũng đã triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 9-2016. Phương pháp này dành cho những bé sơ sinh non tháng, theo đó bé được cha mẹ ủ ấm theo kiểu da kề da như những chú chuột túi trong suốt khoảng thời gian dài, cho đến khi nào bé không thích nữa thì thôi. Các bác sĩ, nữ hộ sinh cũng sẽ theo sát để tư vấn cách massage cho mẹ để có nhiều sữa, cách trữ sữa, massage giúp bé phát triển tốt hơn. Hiện tại Khoa Sản có 4 giường dành cho các bé kangaroo nhưng có lúc không đáp ứng đủ nhu cầu. Bé chỉ được xuất viện khi hết các bệnh lý cấp tính, thân nhiệt ổn định, tăng cân liên tục trong 3 ngày. Đồng thời, mẹ phải hoàn toàn tự tin chăm con bằng phương pháp kangaroo, thành thạo việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngoài ra, các bác sĩ, nữ hộ sinh tại đây cũng đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, tư vấn trực tiếp với sản phụ bằng slide-show với những hình ảnh và thông tin thuyết phục về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhờ đó nhiều sản phụ và gia đình đã nhận thức tốt hơn, không tiếp tục cho con bú bình. Nói như nữ hộ sinh Bùi Thị Thu Trang, đây là điều không dễ dàng, “như một cuộc chiến”, do đó phải nhắc nhở liên tục. Một thay đổi khác khiến các bà mẹ cũng rất an lòng, đó là việc tắm bé nay được thực hiện ngay tại giường của mẹ, nhờ đó họ còn được các nữ hộ sinh hướng dẫn kỹ càng về cách tắm cho con… Chị Hoàng Thị Hường (38 tuổi, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) nhận xét: “Ngày nào các y tá, bác sĩ cũng dặn không cho bé bú sữa ngoài mà khuyến khích bú sữa mẹ. Bé còn được tắm tại giường nữa. Nói chung, các cô ở đây rất chu đáo, nhiệt tình chăm sóc cho mẹ và bé”.

Trao đổi với P.V, bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình-Trưởng khoa Sản-Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Sau khi Khoa Nhi-Bệnh viện Đa khoa tỉnh sáp nhập về Bệnh viện Nhi Gia Lai, theo chỉ đạo của Sở Y tế, Khoa Sản sẽ thành lập đơn nguyên Nhi sơ sinh để phục vụ cho những trẻ cần chăm sóc đặc biệt về y tế sau sinh. Sẽ có rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị…, song chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ”.

Lam Nguyên

Trong chuyến làm việc tại Gia Lai cuối năm 2016 vừa qua, Thạc sĩ Đinh Anh Tuấn-Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) đã có những nhận xét rất tích cực: “Có thể nói Gia Lai là một trong những tỉnh đi đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên về triển khai phương pháp “Da kề da” và kangaroo, nhờ đó đã đem lại những thay đổi rất quan trọng. Cùng với vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, các phương pháp trên đã giúp giảm tử vong sau sinh, giúp các bà mẹ nuôi con thành công ngay từ khi bé lọt lòng”.

Có thể bạn quan tâm