Từ chủ trương đến thực tế (Bài cuối)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bài cuối: Cần sự quyết liệt của các cấp, các ngành

(GLO)- Việc tuyển dụng người lao động dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ vùng dự án vào làm công nhân cao su, dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và bất cập. Để giải quyết được bài toán này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp với chính sách mở, rất cần sự chung tay quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân.

Đánh giá từ phía địa phương

Chuyển rừng nghèo sang trồng cao su là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Sau 5 năm triển khai, dự án đã thực sự góp phần tạo nên một diện mạo mới cho nhiều vùng đất hoang hóa trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của nhiều địa phương nơi có dự án triển khai, các doanh nghiệp khi phát triển trồng mới cao su đều gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt, khu dân cư...); đồng thời, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động là đồng bào DTTS tại chỗ. Bên cạnh đó, họ cũng chỉ ra nhiều điều mà các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt tại địa bàn.

 

Vườn cây cao su của công ty Quang Đức. Ảnh: Nguyễn Giác

Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho hay: Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên 72 và Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm công nhân, tạo công ăn việc làm, giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống theo như phương án đơn vị đã cam kết. Tuy nhiên, số lượng lao động vào làm việc vẫn chưa đảm bảo chỉ tiêu, nhiều trường hợp còn hợp đồng ngắn hạn, theo thời vụ.

Mặt khác, quá trình triển khai dự án, Công ty 72 không tính toán việc quy hoạch để cấp đất ở và các công trình công cộng khác phục vụ công nhân trong vùng dự án dẫn đến có một thời gian xảy ra tình trạng công nhân cơi nới, dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp. Nay, số chòi, lán ấy đã được dỡ bỏ nhưng sinh hoạt của người lao động còn khó khăn vì chưa bố trí được nơi ăn ở mà dự án lạo cách xa khu dân cư hơn 10 km, đường sá lại khó đi. Hiện, Công ty đang xin ý kiến UBND tỉnh để chuyển một phần đất lâm nghiệp sang xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng vẫn chưa được sự đồng ý.


Là địa phương có diện tích chuyển đổi lớn nhất của tỉnh (hơn 23.100 ha) với 9 doanh nghiệp đứng chân thực hiện, huyện Chư Prông vừa có được thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng đứng trước những nỗi lo và nhiều khó khăn hơn trong quản lý. Theo ông Từ Ngọc Thông- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, thì một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư và PTNN Sài Gòn, Công ty TNHH Quốc Cường, mới chỉ chú trọng đến việc phát triển sản xuất kinh doanh, chưa thực sự quan tâm đến chính sách xã hội và giải quyết việc làm tại địa phương, nhất là việc làm cho người DTTS.

 

Ảnh: Nguyễn Giác

Mặt khác, một số đơn vị như: Trung đoàn 710, Công ty Bình Dương… sử dụng nhiều lao động là người DTTS ở các tỉnh phía Bắc di cư vào, lại tập trung ở khu vực biên giới nên gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý lao động, ảnh hưởng an ninh chính trị trên địa bàn (Công ty Bình Dương đã tuyển dụng 83 người Mông vào làm công nhân hợp đồng dài hạn). Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu giữ nguyên số công nhân ấy, không tuyển thêm, đồng thời yêu cầu UBND huyện Chư Prông phối hợp với Công ty Bình Dương cùng quản lý số lao động này. Một số doanh nghiệp khác sử dụng lao động thời vụ là người dân của các tỉnh khác như: Bình Định, Bến Tre, Quảng Ngãi… làm ảnh hưởng đến công tác giải quyết việc làm cho lao động địa phương và ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Những giải pháp từ các cấp, các ngành

Tại cuộc họp giao ban vào tháng 5-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các huyện và các đoàn thể tại địa phương có dự án trồng cao su phối hợp tập trung rà soát, tổng hợp danh sách số đồng bào DTTS tại chỗ có nhu cầu vào làm công nhân cao su; đồng thời thực hiện các giải pháp ưu tiên đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân cao su tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo ấy, thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp đã tích cực đôn đốc các địa phương và doanh nghiệp phối hợp vận động, tuyển dụng đối tượng lao động này vào làm việc trong các dự án. Kết quả là số lao động được tuyển vào làm việc dài hạn ngày càng nhiều, tỷ lệ lao động người DTTS ngày càng tăng. Đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện đúng cam kết ban đầu là tuyển dụng lao động, đặc biệt là đồng bào DTTS tại chỗ vào làm việc, sẽ xem xét thu hồi dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1577/UBND-NL ngày 29-5-2012.

 

Vườn cây 2 năm tuổi của đội 20 (Công ty 72). Ảnh: Nguyễn Giác

Để đảm bảo mục tiêu của đề án, UBND tỉnh vẫn đang tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tuyên truyền, vận động và lập danh sách người lao động giới thiệu cho doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ưu tiên nhận đồng bào DTTS tại chỗ vào làm việc và thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động như đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thu nhập, nơi ăn ở…

Với góc độ là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về lao động, bà Trần Thị Hoài Thanh- Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc các doanh nghiệp và địa phương phối hợp tuyển dụng lao động; giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuyển dụng lao động như vấn đề hồ sơ lý lịch, trình độ… của người lao động; đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống cho công nhân như nhà ở, điện thắp sáng, nước sinh hoạt…

Trong năm 2013, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Chư Prông, kết nối giữa người lao động với công ty và đã thu được một số kết quả quan trọng.

Cũng theo bà Thanh, thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với tỉnh, cùng phối hợp với địa phương giới thiệu người lao động cho doanh nghiệp tuyển dụng, tiếp tục tăng cường tổ chức các phiên giao dịch nhằm kết nối người lao động và doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh-kiểm tra trong việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, Sở cũng sẽ thường xuyên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo việc tuyển dụng lao động theo đúng cam kết, đảm bảo được mục tiêu giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận người lao động, đặc biệt là người DTTS tại chỗ thuộc các vùng triển khai dự án.

Và một điều cũng rất quan trọng, đó là sự đồng tâm hiệp lực từ phía các doanh nghiệp có dự án. Nhiều công ty, như Công ty THHH một thành viên Cao su Chư Pah, đã chủ trương rằng, lợi ích kinh tế phải luôn song hành với lợi ích xã hội như một phần tất yếu. Một dự án dù có tỷ suất lợi nhuận trên 50% nhưng doanh nghiệp đó thực hiện không tốt vấn đề giải quyết công ăn việc làm, giúp cộng đồng người DTTS tại chỗ phát triển, địa phương phát triển… thì cũng không được công nhận là thành công.

M.Dưỡng-N.Giác-H.Thi

Có thể bạn quan tâm