Thời sự - Bình luận

Tự chủ, tự cường để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự tổn thương do đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế đất nước là rất lớn. Tăng trưởng GDP năm 2021 tuy chưa bị âm nhưng đã bị kéo xuống mức 2,58%. Giữ được kết quả đó là nhờ Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 từ đầu quý IV về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế. Việc chuyển tư duy chống dịch từ “Zero Covid” sang sống chung an toàn với Covid đã tạo nên sự thay đổi cơ bản, đưa doanh nghiệp, người dân trở lại quỹ đạo vận động, phát triển trong bối cảnh đất nước có dịch bệnh và đã thực sự tạo nên kỳ tích.

Là nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào các đối tác chủ chốt như: Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… nước ta phải đối mặt với nhiều tác động, thách thức từ sự giảm sâu của tăng trưởng và chuyển dịch trật tự kinh tế thế giới. Vì vậy, nêu cao tinh thần chủ động thích ứng để giữ vững độc lập, tự chủ là yêu cầu cấp thiết. Không ỷ lại, trông chờ bên ngoài, không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn tổng thể, lâu dài; đa dạng hóa nguồn lực, cân bằng chiến lược phát triển với các đối tác khác nhau trên cơ sở đảm bảo tính chủ động, tự quyết; đẩy mạnh thu hút FDI nhưng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng tới an ninh, chủ quyền quốc gia; phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực trong nước.

Công nhân làm việc tại Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều địa phương đã chủ động thích ứng, vừa tích cực chống dịch, vừa khôi phục sản xuất. Ảnh: Đức Thụy



Tự lực, tự cường sẽ giúp chúng ta gây dựng được sức mạnh dân tộc, vững tin hơn khi hội nhập, đặc biệt là tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và mở rộng an sinh xã hội, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng theo hướng bền vững. Tuy nhiên, tự lực tự cường không phải là tự cung tự cấp. Nhận diện những thách thức trong thế giới đầy biến động vì dịch bệnh, chiến tranh… để củng cố, nhân lên sức mạnh nội sinh, phát huy nguồn lực con người, sức mạnh văn hóa, trí tuệ Việt Nam, triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi sau đại dịch, phát triển kinh tế đất nước bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương-giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore-cho rằng: “Khi thế giới có những biến động có thể thay đổi cục diện phát triển thì tinh thần tự lực tự cường càng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Chúng ta có thể tiếp thu bài học tự lực, tự cường của Singapore hay Hàn Quốc để vận dụng cho sự phát triển của mình, kiến tạo giá trị mới ở thời đại mới. Bởi mô hình cũ, dù hay đến mấy, cũng chỉ là sản phẩm của ngày hôm qua”.

Sau gần 5 tháng Nghị quyết 128 của Chính phủ đi vào cuộc sống, kinh tế bắt đầu phục hồi. GDP quý I-2022 tăng trưởng 5,03%. Đó là một con số đáng ghi nhận trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Nhiều địa phương đã chủ động thích ứng, vừa tích cực chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, du lịch, xuất khẩu, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản vẫn tiếp tục tăng, du lịch đã mở cửa cho thị trường quốc tế, hàng không đã nhộn nhịp trở lại, cho thấy cuộc sống đã dần trở lại bình thường, trong khi chúng ta vẫn chủ động kiểm soát dịch bệnh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ là nhiệm vụ quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong tình hình mới. Đây là 1 trong 3 nội dung cốt lõi để hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để làm được điều đó, cần kiên định tinh thần độc lập, tự chủ trong xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước; xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực quốc gia nhằm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm