Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Tự “chữa lành” cho bản thân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cứ gần đến ngày nghỉ lễ là các anh chị đồng nghiệp lại xúm xít hỏi nhau: “Lễ này đi chơi ở đâu?”. Còn tôi thì chỉ muốn nghỉ ngơi bên gia đình. Đã rất nhiều năm rồi, tôi không có khái niệm đi chơi ngày lễ, nhất là những chuyến đi chơi xa dài ngày.

Như thường lệ, cứ chiều thứ sáu là gia đình tôi sửa soạn đồ đạc để về nội, thứ bảy thì cả nhà lên ngoại ăn cơm. Chủ nhật, cả nhà ngoại xuống nhà nội dùng bữa, thế mà lễ lại vui.

Thực ra, đi làm quanh năm, mọi người mong đến ngày lễ để được đi chơi đâu đó, cái mà người trẻ gần đây hay gọi là “đi chữa lành”, nhưng tôi lại muốn được “chữa lành” ở nhà.

Tự “chữa lành” cho bản thân (ảnh minh họa)

Tự “chữa lành” cho bản thân (ảnh minh họa)

Có một khoảng thời gian, tôi bận việc đến đầu tắt mặt tối, có khi cả tháng không gặp bố mẹ đẻ. Ông bà chỉ nhìn thấy tôi trên mạng xã hội, trên báo, đài địa phương. Những chuyến công tác trong tỉnh, rồi những chuyến đi dài ngày trong nước, thậm chí là nước ngoài, đi nhiều đến nỗi, tôi chỉ muốn có được một buổi cuối tuần thảnh thơi, được ăn món canh cua mẹ nấu, thưởng thức món cá kho riềng của bố làm và được ngủ trên chiếc giường quen thuộc ở nhà chứ không phải là chiếc giường lạ lẫm nơi khách sạn trong những chuyến đi công vụ.

Tôi cũng rất ngại những chuyến du lịch được cơ quan tổ chức nhân ngày lễ dành cho các chị em. Không phải vì bản thân không hòa đồng với tập thể mà bởi lẽ, thường ngày, tôi đã dành trọn thời gian cho công việc, cho những mối quan hệ xã hội, nên khi có dịp nghỉ ngơi, tôi muốn được ở cùng gia đình mình.

Nhiều người thường đăng ảnh đi chơi, xả stress tại những địa điểm hot, check-in ở những nơi sang chảnh. Rồi thành thói quen, tới dịp lễ gì mà họ không đi đâu chơi, không có ảnh đẹp đăng trên mạng xã hội thì lại sợ người ta thắc mắc. Tôi đã từng nghĩ và cũng có thói quen như thế. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình sống cho mình và vì mình chứ không phải vì những gì người khác đánh giá. Nên đăng những gì mình muốn lưu giữ chứ không phải đăng để người khác biết mình đã làm gì và đi đâu.

Càng ngày, tôi càng hiểu rằng, mình phải sống vui mỗi ngày để tâm hồn tươi mới và luôn suy nghĩ tích cực lạc quan chứ không phải dồn nén mọi thứ lại để đến lúc bản thân bị “rách” thì lại cần phải có cơ hội “đi chữa lành”. Và “chữa lành” cũng không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi, ăn những món “sơn hào hải vị”. “Chữa lành” chỉ cần có không gian để bản thân được hòa mình vào với thiên nhiên, đất trời.

Để bản thân mỗi người cảm nhận được mình không chỉ đang thở, mà là đang “sống” thật sự, được hòa mình với tập thể, ở nơi mà bạn được là chính mình, được thưởng thức những món ăn mình thích, nghe một bản nhạc hay đơn giản chỉ là đọc một cuốn sách mà lâu nay vẫn còn dang dở.

Và hơn hết, dù làm gì đi chăng nữa, chỉ cần khi tâm hồn ta luôn cảm thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi, không phải bon chen đấu đá, sân si hay nghi kỵ, gièm pha nhau thì khi đó, tâm hồn mỗi người thật sự đã được “chữa lành”.

Đến một độ tuổi nào đó, người ta sẽ không thích những chốn huyên náo đông người. Có chăng là cả gia đình tụ tập ở quán cà phê, cùng ăn những bữa cơm ấm cúng với người thân, mà không phải chen chúc nơi quán xá đông người, không phải miễn cưỡng nở những nụ cười xã giao ở những buổi tiệc rượu mang tính chất công việc.

Ngược lại, với những người quanh năm suốt tháng chỉ quẩn quanh bên gia đình, con cái, bếp núc, chắc chắn việc được đi đây đi đó, được giải tỏa tâm trạng là một điều cần thiết để họ có cơ hội “sạc đầy pin”, nạp thêm năng lượng và refresh, làm mới bản thân để sau khi kết thúc những chuyến đi ấy, họ có động lực, có thêm “sức đề kháng” mà tiếp tục với những việc thường nhật không tên mỗi ngày.

Nếu bản thân mình không phải “bị ép” làm những điều mà thân tâm đều không muốn làm, tâm hồn ta vì thế cũng sẽ ít bị tổn thương. Mỗi người có những cảm nhận riêng về nhân sinh quan trong cuộc đời của mình. Bởi vậy, phương pháp “chữa lành” những tổn thương của bản thân tốt nhất, hiệu quả nhất có lẽ là tự ta “chữa lành” cho chính ta.

Có thể bạn quan tâm