Từ số hộ nghèo, cận nghèo chiếm chủ yếu tổng số hộ trên địa bàn thì đến nay xã Mường Chanh chỉ còn 18,05% số hộ nghèo đa chiều; xã Quang Chiểu chỉ còn 28,49% hộ nghèo đa chiều.
Tuy còn khiêm tốn, nhưng con số thoát nghèo kể trên là một nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh khoảng 13 năm trước, tư tưởng trông chờ, ỷ lại có lẽ không riêng gì ở huyện biên giới như Mường Lát nói riêng, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Ông Lục Văn Tâm, Bí thư đảng ủy xã Mường Chanh, chia sẻ với người viết: "Trước đây cán bộ đến nhà chấm điểm hộ nghèo còn có cả tình trạng người dân giấu bớt tài sản. Để xóa được tư tưởng đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, thì phải bắt đầu từ cán bộ, đảng viên; nếu cán bộ không gương mẫu, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì xử lý cán bộ trước. Với người dân, chúng tôi vận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm kinh tế, trồng cây ăn quả, chăn nuôi để có thu nhập thường xuyên và ổn định. Vì thế, đến nay xã Mường Chanh có nhiều diện tích cây ăn quả như cam, mít, và đặc biệt là phát triển sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi".
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Mường Lát Trịnh Minh Xiết cũng nói rằng cuối năm 2023 có hơn 100 hộ gia đình ở các xã Quang Chiểu, Mường Chanh xin thoát nghèo, và đây là lần đầu tiên ở huyện biên giới này người dân tự giác xin thoát nghèo.
Việc người dân xin thoát nghèo được xem như một cột mốc đánh dấu sự chuyển biến lớn trong tư tưởng của người dân; bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Một huyện đặc biệt khó khăn như Mường Lát đã và đang dần xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì không lý gì những địa phương khác có điều kiện tốt hơn về tự nhiên, hạ tầng lại không xóa bỏ được. Chỉ có ý chí, tự lực vươn lên thoát đói nghèo, thì chủ trương xây dựng nông thôn mới phát triển một cách bền vững.