Thời sự - Bình luận

Tự hào những dấu son lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng 1 tháng trước khi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại tỉnh Điện Biên, trên khắp mạng xã hội đã rầm rộ lan truyền hàng ngàn clip ngắn quay lại cảnh tập luyện diễu binh, diễu hành của các lực lượng.

Trong clip, các chiến sĩ Quân đội, Công an, lực lượng cựu chiến binh, quần chúng hăng say tập luyện bất chấp trời mưa hay nắng. Nhịp chân đều đặn gõ vang rền trên nền đường hòa cùng giai điệu hào hùng của các ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Giải phóng Điện Biên”, “Một vòng Việt Nam”… khiến người xem dấy lên cảm xúc rưng rưng tự hào.

Người dân, du khách, đặc biệt là cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ khắp nơi cũng trở về thăm lại chiến trường, gặp gỡ nhau trong niềm hân hoan, hạnh phúc càng khiến sự kiện này thêm phần ý nghĩa. Để rồi cảm xúc của Nhân dân cả nước vỡ òa khi lễ kỷ niệm trọng thể diễn ra. Tiết trời mưa lạnh trong suốt buổi lễ càng làm bật lên tinh thần bất chấp khó khăn, gian khổ của quân và dân ta.

Quốc ca vang vọng khắp đường phố Điện Biên Phủ; cờ Đảng, cờ Tổ quốc được 9 trực thăng mang bay qua lễ đài. Hàng ngàn người đội mưa đón xem trọn vẹn chương trình, cổ vũ nhiệt tình các đội hình với khoảng 12 ngàn người biểu dương lực lượng.

Sáng 23-6-2023, cán bộ, Nhân dân huyện Đak Pơ và các cựu chiến binh Trung đoàn 96 dâng hoa tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ nhân kỷ niệm 69 năm chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2023). Ảnh: Tuyết Mai

Sáng 23-6-2023, cán bộ, Nhân dân huyện Đak Pơ và các cựu chiến binh Trung đoàn 96 dâng hoa tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ nhân kỷ niệm 69 năm chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2023). Ảnh: Tuyết Mai

Cũng trong những ngày qua, tinh thần hướng về Điện Biên Phủ lên cao hơn bao giờ hết. Từ Trung ương đến các địa phương đã diễn ra rất nhiều hoạt động hưởng ứng, nhắc nhớ đến chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, diễn biến, tầm vóc, ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện, nhắc nhớ dưới nhiều hình thức đầy xúc động.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành và Nhân dân cả nước cũng thành kính dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang, tưởng nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc… Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tỉnh Điện Biên cũng như các địa phương trong cả nước tổ chức các buổi gặp mặt, tri ân, thăm hỏi, tặng quà các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng với đó là hàng loạt sự kiện văn hóa, văn nghệ được tổ chức hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hòa cùng không khí những tháng ngày lịch sử này, tại Gia Lai cũng đã diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng, mang tính giáo dục sâu sắc. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà tri ân gia đình thân nhân, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn. Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội cũng tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm, thi vẽ tranh, văn nghệ, hội thao…

Đáng chú ý, cùng với 200 em nhỏ trong cả nước, Gia Lai có 3 học sinh được tham gia Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” lần thứ V-2024 tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Các em đã được tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; gặp gỡ những nhân chứng lịch sử; dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang Liệt sĩ A1; giao lưu với ông Võ Điện Biên-con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Điều này đã khiến những bài học trong sách trở nên gần gũi, giúp các em hiểu và thêm tự hào về truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc.

Tiếp nối thành công của các sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Gia Lai cũng tiến hành nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2024). Đây là trận đánh bồi tiếp sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, góp phần đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương.

Với quy mô, tầm vóc lịch sử và ý nghĩa chiến lược, Chiến thắng Đak Pơ được ví như một “Điện Biên Phủ” ở Liên khu V. Cùng với phần lễ kỷ niệm trang trọng, tỉnh cũng sẽ tổ chức các đoàn thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ, gia đình những người tham gia trận đánh Đak Pơ; dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; triển lãm tranh, ảnh về Chiến thắng Đak Pơ; thi tìm hiểu, viết bài, sáng tác văn học, nghệ thuật, tác phẩm báo chí về lịch sử, truyền thống cách mạng… nhằm lan tỏa giá trị to lớn của sự kiện to lớn này.

Những tháng ngày “mưa bom, bão đạn” đã lùi xa, một đời sống mới tự do, thanh bình đang hiện hữu. Nhưng những dấu son lịch sử chói lọi của dân sẽ luôn được các thế hệ người Việt Nam ghi tâm, nhắc nhớ. Đặc biệt, sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh đi trước là lời khẳng định rằng những giá trị tốt đẹp được đánh đổi bằng máu xương sẽ mãi mãi được ghi nhớ, gìn giữ và tiếp tục phát huy. Để rồi từ đó, mỗi người dân sinh sống trên mảnh đất hình chữ S tự soi mình vào lịch sử để nhắc nhở bản thân phải sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, góp sức xây dựng quê hương lớn mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ trước.

Có thể bạn quan tâm