Tự hào về nơi chúng ta đang sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đọc những trang sử Đảng bộ Gia Lai ghi lại những ngày Tháng Tám năm 1945, chúng ta có những hình dung rõ hơn về phong trào khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở vùng đất vốn đã rất giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh sinh tồn và bảo vệ quê hương của đồng bào các dân tộc anh em. Thêm một lần nữa, chúng ta càng  tự hào về nơi chúng ta đã và đang sống, nơi các thế hệ nối tiếp sẽ chung tay xây dựng và bảo vệ.

Giành chính quyền về tay nhân dân

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh Gia Lai trong điều kiện địa phương chưa có Đảng bộ và đoàn thể Việt Minh lãnh đạo, nhưng quần chúng công nhân, nông dân, thanh niên yêu nước vốn đã chịu ảnh hưởng từ đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó, nhất là trong thời kỳ tiền khởi nghĩa trong cả nước... Sự “ảnh hưởng” này đã giúp cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sớm giác ngộ cách mạng. Khi có chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu là An Khê, sáng 20-8-1945, lực lượng khởi nghĩa huyện An Khê đã chiếm đồn bảo an thị trấn và huyện đường. Tiếp đến, ngày 22-8-1945, ở thị xã Pleiku cũng nổ ra các cuộc mít tinh, biểu tình... Cho đến rạng sáng 23-8, nhiều đoàn biểu tình từ các nơi kéo về thị xã Pleiku, phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ với đội ngũ chỉnh tề, có trang bị gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến vào trung tâm thị xã. Đó là một cuộc biểu dương lực lượng cách mạng chưa từng có ở Pleiku với trên một vạn quần chúng.

 

Khẩn trương kéo điện phục vụ cho việc phục dựng lại khu vực làm việc của Tỉnh ủy tại căn cứ Krong. Ảnh: B.H
Khẩn trương kéo điện phục vụ cho việc phục dựng lại khu vực làm việc của Tỉnh ủy tại căn cứ Krong. Ảnh: B.H

Chỉ trong một ngày, toàn bộ các cơ quan quân sự, hành chính, đồn điền, công sở ở khu vực thị xã Pleiku đã thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cách mạng. Và, theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thì chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, từ huyện An Khê, thị xã Pleiku, các thị trấn Cheo Reo, Chư Ty đến các làng, xã cả vùng người Kinh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, quần chúng nhân dân đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hệ thống chính quyền tay sai thực dân, phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng bước đầu được thiết lập trong toàn tỉnh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Gia Lai đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, yêu chuộng độc lập, tự do và tinh thần quật khởi của nhân dân các dân tộc Gia Lai. Thắng lợi đó mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phong trào cách mạng của tỉnh nhà, là tiền đề trực tiếp cho việc thành lập Đảng bộ Gia Lai vào tháng 12-1945 và những thắng lợi to lớn, vẻ vang về sau này...

Thăm chiến khu xưa

Chuyến về thăm lại vùng căn cứ cách mạng của tỉnh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (xã Krong, huyện Kbang) của đoàn cán bộ, chiến sĩ quân dân chính đã nghỉ hưu là hội viên Hội kháng chiến của Gia Lai được Thường trực Ban liên lạc kháng chiến tỉnh chuẩn bị đã khá lâu và chu toàn. Thường trực Huyện ủy Kbang đã dành thời gian tiếp và hướng dẫn đoàn thăm lại nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kbang ngày nay đã có nhiều đổi thay, theo các đồng chí lãnh đạo huyện thì hiện đời sống của đồng bào vùng căn cứ xưa đã được cải thiện nhiều cả về vật chất và tinh thần so với những năm đầu sau ngày giải phóng. Tình hình an ninh, chính trị ổn định, đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, cố gắng xây dựng và bảo vệ quê hương. Xúc động khi được về lại chốn cũ, thăm lại nơi xưa một thời đã sống, công tác và chiến đấu, nhiều người trong đoàn rất xúc động, bồi hồi nhớ lại một thời tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đặc biệt là bác Lê Hồng Sơn-Trưởng ban Liên lạc kháng chiến của tỉnh, với cái tuổi đã về xế chiều, sức khỏe đã yếu, nhưng ông nhất quyết cùng tham gia chuyến về nguồn lần này. Ông xúc động bảo: “Ngày ấy tôi tuổi chỉ ngoài hai mươi đã có mặt ở vùng đất này, nhận lãnh mọi việc được phân công của tổ chức và hoàn thành vô điều kiện, dù đó là công việc hiểm nguy, gian khổ”. Ông mong muốn các thế hệ lãnh đạo ngày nay tiếp tục kế thừa sự nghiệp cách mạng của lớp người đi trước, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ Đảng và chế độ mà các thế hệ cha ông đã phải đổi bằng máu xương để có được như ngày hôm nay.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương-Trưởng ban Liên lạc kháng chiến phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tuổi đã khá cao, sức cũng đã yếu, mặc dù là người không trực tiếp chiến đấu ở vùng đất này nhưng nhất quyết “một lần đến để hiểu biết thêm nơi mà đồng đội của mình năm xưa đã từng chiến đấu...”. Nhiều người trong đoàn đã từng đem cả tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, từng một thời đồng cam cộng khổ với đồng bào, đồng chí ở vùng căn cứ này, nhưng vì điều kiện nào đó, cho đến giờ, sau  hơn 42 năm mới một lần trở lại. Bao kỷ niệm xưa ùa về, xúc động bồi hồi không cầm nổi nước mắt khi nhớ lại những bạn bè, đồng chí đã vĩnh viễn ra đi...

Nhưng có một điều quan trọng khiến chúng tôi vô cùng vui mừng là khi được biết lãnh đạo tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để làm đường vào lại chính nơi mà trước đây Tỉnh ủy đứng chân để lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh chiến đấu, giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; phục dựng lại những nơi ở, làm việc của các đồng chí lãnh đạo của tỉnh ngày ấy. Một việc làm cụ thể và thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện nay và mai sau.

Về thăm và rồi cũng phải chia tay với đồng bào, đồng chí ở huyện Kbang, xã Krong đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Chuyến đi đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc và tự hào về vùng đất anh hùng trong thời kháng chiến. Càng vững  niềm tin rằng sự đoàn kết, lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành, quản lý của chính quyền và niềm hăng say lao động, sản xuất của nhân dân các dân tộc trong huyện trong thời kỳ đổi mới sẽ đạt được nhiều thành quả to lớn hơn nữa!

Bích Hà  
(*) Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)”, NXB CT QG-HN, 2009.

Có thể bạn quan tâm