Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tư liệu quý về họa sĩ Xu Man

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang lưu giữ 17 tác phẩm của họa sĩ Xu Man. Để tổ chức một cuộc triển lãm nhằm giới thiệu những bức tranh này đến với công chúng yêu mỹ thuật nói chung, yêu tranh Xu Man nói riêng, chúng tôi tìm kiếm thêm tư liệu về ông để làm phong phú nội dung triển lãm. Và, chúng tôi nhớ đến nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong-người có nhiều tấm ảnh chụp họa sĩ Xu Man đã đăng báo.

Họa sĩ Xu Man (1925-2007) là “cánh chim đầu đàn” của mỹ thuật Tây Nguyên. Tranh của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh... Ông là họa sĩ duy nhất của Tây Nguyên (cho đến thời điểm này) được nhận Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: “Bác Hồ với tình yêu Tây Nguyên”, “Bác Hồ với Tây Nguyên” (sơn dầu), “Ngày hội trên Tây Nguyên”, “Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên” (sơn mài).

Họa sĩ Xu Man vẽ tranh cổ động tại Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, năm 1986. Ảnh: Trần Phong

Họa sĩ Xu Man vẽ tranh cổ động tại Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum, năm 1986. Ảnh: Trần Phong

Như đã hẹn, NSNA Trần Phong vui vẻ tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng ở TP. Pleiku. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong kể, ông biết họa sĩ Xu Man từ năm 1979, khi ở cùng khu tập thể của Ty Văn hóa-Thông tin tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Năm 1983, họa sĩ Xu Man nghỉ hưu, về sống tại làng Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang) nhưng vẫn sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Hồi đó, NSNA Trần Phong tham gia một số chuyến đi thực tế (có kế hoạch trước), về làng sáng tác cùng anh chị em văn nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ Xu Man. Chính vì vậy, NSNA Trần Phong đã có cơ hội ghi lại những hình ảnh rất đỗi đời thường của người họa sĩ tài năng khi ông đang miệt mài vẽ tranh tại các buôn làng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang) hay xã Chư Mố, huyện Ayun Pa (nay là huyện Ia Pa). Qua những chuyến đi thực tế sáng tác, NSNA Trần Phong có dịp gần gũi và hiểu thêm về con người Xu Man và thầm cảm phục nghị lực phi thường trong sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ buôn làng.

Trong kho tư liệu về họa sĩ Xu Man của NSNA Trần Phong có 116 ảnh chụp tranh, trên 20 ảnh chụp họa sĩ khi đi thực tế sáng tác và sinh hoạt thường ngày. Trong số ảnh này, NSNA Trần Phong đã giới thiệu với chúng tôi bức ảnh ông chụp hồi tháng 4-2003, khi đoàn làm phim VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam đang tác nghiệp, quay phóng sự về họa sĩ Xu Man. Đây là một bức ảnh rất bình dị khi chụp được khoảnh khắc người vợ đang giã gạo còn họa sĩ Xu Man mặc quần đùi ngồi bên cạnh quan sát. Bên cạnh đó, NSNA Trần Phong còn cẩn thận chụp lại rất nhiều bài báo và cất giữ những cuốn tiểu thuyết do nhà văn Trung Trung Đỉnh viết về họa sĩ Xu Man. Số ảnh tư liệu về họa sĩ Xu Man ở trên là con số mà NSNA Trần Phong tiết lộ với chúng tôi. Tôi tin rằng, ông còn “cất giữ” được nhiều hơn thế về Xu Man.

Họa sĩ Xu Man đã vẽ hàng ngàn bức tranh nhưng không giữ lại cho riêng mình tác phẩm nào. Chúng tôi đã đến nhà ông ở làng Bông, mong tìm kiếm được chút còn sót lại nhưng không có gì ngoài căn nhà người cháu đang trông coi. Chính vì vậy, chúng tôi càng trân quý số tranh của họa sĩ Xu Man đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, trân trọng những người như NSNA Trần Phong. Ông đã giữ lại những tư liệu quý giá về họa sĩ Xu Man mà không ai có được.

Chia tay NSNA Trần Phong, chúng tôi cảm ơn ông vì đã sẵn lòng cung cấp cho Bảo tàng tỉnh những tư liệu quý về họa sĩ Xu Man để phục vụ triển lãm vào dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sắp tới. Còn với NSNA Trần Phong, ông không muốn nói và viết về mình, chỉ lặng lẽ cống hiến, như cái cách ông viết về họa sĩ Xu Man: “Sống lặng lẽ giữa buôn làng, trong điều kiện đồng lương hưu ít ỏi phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày cốt để có cái ăn đã là chuyện không đơn giản. Nhưng, qua mấy chục năm, họa sĩ Xu Man vẫn không rời giá vẽ. Đối với ông, công việc vẽ tranh cũng như đào mương, trỉa lúa, trồng cây ngô, cây sắn...”.

Có thể bạn quan tâm