Thời sự - Bình luận

Từ "Sabeco bán mình cho Trung Quốc": Ai cứu DN khỏi "bão" tin đồn?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cùng với những chế tài xử phạt đủ mạnh, thì chính sự minh bạch thông tin doanh nghiệp, sự lên tiếng kịp thời của các cơ quan có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp thoát khỏi những thiệt hại khó lường vì những tin đồn thất thiệt.
Mới đây, tin “Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) bán mình cho Trung Quốc” được lan truyền với tốc độ nhanh chóng. Sabeco là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đồ uống, trong đó Bộ Công thương đang giữ vai trò là cổ đông lớn thứ hai với 36% cổ phần. Việc tung tin Sabeco “bán mình” cho Trung Quốc dù chưa xác định được chính xác thiệt hại ra sao nhưng chắc chắn ít nhiều khiến doanh nghiệp có những xáo động.
Rất may, trong cuộc họp báo Chính phủ tối 2/10, đại diện Bộ Công Thương đã kịp thời lên tiếng bác bỏ tin đồn, khẳng định thông tin liên quan đến Sabeco được bán cho nhà đầu tư Trung Quốc là không đúng sự thật. Đồng thời, cũng tại cuộc họp báo, cả đại diện Bộ Công thương và Văn phòng Chính phủ đều nhấn mạnh “hiện tượng tung tin thất thiệt đã ảnh hưởng lớn đến các công ty nhà nước đầu tư, trong đó có Sabeco”.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lên tiếng bác bỏ tin đồn "Sabeco bán mình cho Trung Quốc" (Ảnh: IT)
Thực tế, trường hợp bị tung tin sai sự thật như Sabeco không còn là chuyện lạ. Trước đó, năm  2016, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng dính một tin đồn thất thiệt tương tự Sabeco. Tin đồn Habeco “lên tiếng thừa nhận 73% cổ phần công ty do Trung Quốc nắm quyền” được tung ra kèm với thông tin công nhân người Việt Nam đang làm việc cho công ty bị sa thải hết, thay thế bằng người Trung Quốc... được phát đi với tốc độ chóng mặt, khiến uy tín thương hiệu doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khi nhận được tin này, Habeco đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để xác minh, bảo vệ danh tiếng của mình đồng thời buộc kẻ tung tin bịa đặt kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, những trường hợp doanh nghiệp phản ứng kịp thời, cơ quan chức năng  kịp thời lên tiếng bác bỏ, nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn những tin thất thiệt, giảm thiểu thiệt hại như trường hợp của Sabeco, Habeco vẫn không phải là phổ biến.
Thực tế, ngày càng nhiều người biết cách tận dụng công cụ hiện đại, những nền tảng mảng xã hội để phát tán thông tin giả. Số lượng tin giả đối với doanh nghiệp, kinh doanh cũng tăng lên tỷ lệ thuận với tin giả trong các lĩnh vực khác nói chung. Các cách thức phát tán tin giả với doanh nghiệp phổ biến như, đối thủ cạnh tranh sử dụng tin giả để tấn công phía bên kia, dùng những cách thức để bôi xấu về những sự cố đã từng xảy ra trong quá khứ và khi một sự cố vừa xảy ra thì họ sẽ tìm mọi cách để họ nhân rộng sự lên.
Hay những tin giả hoàn toàn không có thật liên quan đến vấn đề kinh doanh, vấn đề quan hệ cá nhân của những cán bộ cấp cao, vấn đề bằng cấp, đầu tư mờ ám, liên quan đến nguồn tiền bất hợp pháp… có rất nhiều cách thức để làm ảnh hưởng đến một doanh nghiệp, đối thủ...
 
Ngày càng nhiều trang tin giả mạo xuất hiện, tung những tin đồn thất thiệt liên quan đến doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Thông thường tin đồn có sức lan tỏa nhanh đến chóng mặt, đặc biệt là việc lan truyền thông tin xấu độc trên môi trường không gian mạng luôn “nhanh như một cơn lốc” với trăm ngàn tài khoản ảo khó xử lý. Hiện tượng “share trước đọc sau”; share, like không cần nghĩ… ngày càng phổ biến trên mạng xã hội, đến mức có thể coi là vấn nạn. Trong khi đó, theo quy trình, việc báo cáo thông tin thất thiệt với cơ quan quản lý để có biện pháp can thiệt gỡ bỏ thường mất không ít thời gian. Đến khi gỡ bỏ được thì thông tin thất thiệt đã lan truyền rộng rãi, hậu quả đã rất khó lường.
Đơn cử như trường hợp thương hiệu bia Huda bị đồn thổi bán hoàn toàn cho Trung Quốc. Tin đồn xuất hiện ở các tỉnh miền Trung, kèm tờ rơi phát đi ở nhiều địa phương, kéo dài suốt 3 năm (2012 – 2014) khiến doanh nghiệp thiệt hại tới hơn 60 tỷ đồng, chưa kể những tác động xấu về thương hiệu
Hay mới đầu năm nay, tài khoản facebooker Diệp Xuân Hạ với hơn 20.000 người theo dõi đã có một bài viết với nội dung cho rằng siêu thị Aeon tại TP.HCM đang bán mỹ phẩm của nhãn hàng sakura là kem trộn, không được sản xuất tại Nhật Bản. Toàn bộ bài viết facebooker này không hề đưa ra một chứng cứ mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân. Sau đó, bài viết này đã có hàng trăm bình luận xấu và bị chia sẻ qua nhiều trang fanpage khác.
Chỉ sau vài ngày khi Diệp Xuân Hạ đăng bài viết, công ty liên tục nhận được phản hồi từ khách hàng gây thiệt hại không nhỏ đến uy tín cũng như doanh thu của đơn vị này, đến mức sau đó doanh nghiệp đã phải tổ chức họp báo đưa ra các chứng nhận về sản phẩm để bác bỏ tin đồn thất thiệt.
Theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân bị đưa thông tin sai sự thật có thể trình báo với cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc và nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự. Tổ chức, cá nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người đăng thông tin sai sự thật chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, bồi thường thiệt hại, cải chính thông tin.
Tuy nhiên, trong không ít trường hợp doanh nghiệp “chờ được vạ thì má đã sưng” nên theo khuyến cáo của các chuyên gia, để bảo vệ mình tốt nhất, thì bên cạnh việc phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để xử lý tin đồn, chính các doanh nghiệp phải chủ động đối phó với tin đồn bằng cách xây dựng các quy trình sản xuất kinh doanh, đăng ký bản quyền nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm để khi gặp sự cố thì đó là bằng chứng để trả lời khách hàng và yêu cầu nguồn tin phải gỡ bỏ.
Điều 122 Bộ luật hình sự quy định “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Song Hà (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm