Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện lùm xùm Hà Giang với 330 bài thi trắc nghiệm do Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh này “hô biến” từ điểm thấp lên điểm cao, có lẽ là vấn đề dư luận quan tâm nhiều nhất trong những ngày qua.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) trả lời báo chí. (Ảnh: I.T)



Dư luận đặt câu hỏi, đại loại: Ngoài mấy trăm bài thi trắc nghiệm đó thì những bài thi khác là như thế nào? Có ai chỉ đạo chuyện này? Còn ai tham gia sửa điểm? Ngoài Hà Giang liệu có còn địa phương nào khác tìm cách nâng điểm thí sinh để lấy thành tích trong kỳ thi THPT vừa rồi, nhất là các địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, nhiều thủ khoa, á khoa? Tất nhiên, với tinh thần nghiêm túc dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, sau rà soát chấm lại, kết quả phản ánh thực chất kỳ thi THPT 2018 của địa phương này.

Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi cải tiến, nhằm kiểm tra đánh giá thực chất chất lượng học tập 12 năm đèn sách của học sinh. Nó vừa có tính chất công nhận một quá trình học tập vừa là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng để “học nghề” cho sự vào đời của người học sau này. Cải tiến thi cử nhằm khắc phục những áp lực mà cách thi cũ mắc phải. Ý nghĩa, giá trị của nó (dẫu còn phải cải tiến) vì vậy, không cần phải bàn thêm. Vậy nhưng tại sao đến giờ, nó vẫn còn xảy ra tiêu cực, sai sót? Vụ việc đã “2 năm rõ 10” nên cơ quan chức năng sẽ sớm có câu trả lời rõ ràng với dư luận.

Sau sự việc của Hà Giang, một số địa phương khác cũng đã nối tiếp lùng bùng. Nó phản ánh, bên cạnh vấn nạn gian lận trong thi cử, gian dối trong thành tích, tồn tại trong ngành GD-ĐT chưa biết bao giờ mới đến hồi kết. Hành vi gian dối, những kẻ gian dối sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ 
GD-ĐT và quyết tâm cam kết của lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Nhưng thương tổn trong lòng học sinh và phụ huynh, danh dự của địa phương ai sẽ chịu đây? Liệu vụ này có liên hệ gì với mớ bòng bong chạy điểm, chạy trường, chạy lớp, chạy giáo viên, học thêm, học kèm, phụ đạo tràn lan mà chất lượng dạy và học không mấy cải thiện, trong khi đạo đức học đường ngày càng xuống cấp? Ngẫm ra quan điểm giáo dục của Khổng phu tử, Chu văn An hay của nhà sư phạm nổi tiếng Macarenco “Người thầy giáo dục học sinh bằng chính con người của mình” đang bị thách thức ghê gớm trước thói thực dụng và giả dối. Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, giáo dục đào tạo con người là nhiệm vụ nặng nề nhất nhưng cũng vinh quanh nhất vì sản phẩm của nó là con người, có ý nghĩa  không chỉ cho một thế hệ. Rõ ràng đang có nhiều vấn đề phải bàn, phải sửa đổi, cải tiến, thậm chí là làm lại.

Trong những năm qua, Gia Lai
 cũng đã từng xảy ra một số trường hợp tiêu cực, gian dối trong thi cử. Một tỉnh miền núi có đến 45% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ mọi mặt, trong đó có dân trí còn nhiều hạn chế là những thách thức rất lớn đặt ra cho ngành GD-ĐT địa phương. Làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, không chạy theo căn bệnh thành tích mà tôn trọng thực chất, khách quan để có hướng phấn đấu và giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở tất cả các cấp học, là điều ngành GD-ĐT Gia Lai không thể không nghĩ tới. Tất nhiên bên cạnh đó, trong nhiệm vụ này, còn có vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội và phụ huynh, học sinh địa phương sở tại.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm