(GLO)- Mô hình tưới nhỏ giọt được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, Gia Lai thí điểm trên vườn điều của nông dân ở xã Uar đã bước đầu cho thấy hiệu quả cao, mở ra cách làm mới để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới và công lao động.
Cuối năm 2018, vườn điều 2,7 ha của ông Nguyễn Đức Đô (điểm 8, xã Uar) được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa chọn thí điểm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tại gốc kết hợp bón phân qua đường ống. Hệ thống tưới nhỏ giọt được đầu tư lắp đặt với chi phí khoảng 68 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện. Hệ thống có 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm và đường ống. Trong đó, đường ống được đục nhiều lỗ nhỏ và đặt xung quanh gốc để dẫn nước tưới cho cây điều. Hệ thống này còn có khả năng bón phân bằng cách hòa tan phân trong nước, sau đó cho vào bình chứa. Từ đây, phân bón sẽ được dẫn đến tất cả các cây.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa theo dõi tiến độ ra hoa, kết trái của cây điều. Ảnh: N.S |
Ông Đô cho biết: “Sau khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, vườn điều phát triển xanh tốt hơn nhiều. Mỗi lần tưới xong thì 5 ngày sau mới phải tưới lại. Tỷ lệ đậu quả có khả năng cao hơn vì hiện nay cuống hoa ra rất dài. Chắc chắn mùa này sản lượng điều của gia đình sẽ cao hơn mùa trước”.
Theo nhiều nông dân, tưới nước, bón phân là những khâu quan trọng nhất đối với cây điều, nhưng không phải cứ tưới nước nhiều là tốt. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp nông dân điều tiết được lượng nước tưới, phân bón vừa đủ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây và diễn biến thời tiết; đồng thời hạn chế sâu bệnh. Ông Lê Xuân Hưng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Gu-cho hay: “Sau khi tham quan hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây điều của gia đình ông Đô, tôi thấy hệ thống rất hiệu quả vì giúp tiết kiệm nước và thời gian tưới. Bên cạnh đó, bón phân bằng cách hòa tan trong nước rất thuận tiện, cây sẽ được thấm đều, lại tiết kiệm được phân”.
Theo ông Đô, từ khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thì lượng nước tưới giảm rất nhiều, phân bón cho cây cũng không bị tiêu hao. Nếu tưới theo cách truyền thống phải mất khoảng 80 m3 nước cho 2,7 ha điều, còn hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ mất khoảng 30 m3 nước. Đồng thời, hệ thống còn giảm thời gian và sức lao động. Nếu như trước đây, gia đình ông phải mất 1-2 ngày mới tưới xong cho 2,7 ha điều thì nay chỉ cần bật công tắc và vặn van là nước sẽ tự động chảy đến từng gốc cây, sau 5 tiếng đồng hồ là tưới xong cả vườn.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Đây là một trong những mô hình tưới tiết kiệm nước đầu tiên mà đơn vị triển khai theo chỉ đạo của tỉnh. Bước đầu cho thấy, việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây điều trong mùa khô giúp cây phát triển tương đối tốt so với các vườn khác. Hiện nay, cây điều đang bắt đầu ra hoa. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi vườn cây để đánh giá hiệu quả. “Nếu mô hình này cho kết quả tốt thì chúng tôi sẽ tuyên truyền đến người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đối với nhiều loại cây trồng khác. Việc áp dụng công nghệ này không chỉ giúp nông dân thuận tiện trong sản xuất mà còn giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, qua đó từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết thêm.
NGỌC SANG