Thời sự - Bình luận

Tưởng niệm và trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tuần này có 2 sự kiện mang tính tâm linh thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người. Thứ nhất là lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức vào tối 19-11 tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Tiếp sau đó là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tổ chức vào ngày 21-11.
Tuy diễn ra vào thời điểm và quy mô khác nhau, song cả 2 sự kiện đều xuất phát từ những đau thương, mất mát không thể bù đắp của gia đình, cộng đồng, quốc gia, dân tộc và rộng hơn là cả loài người trên hành tinh này.
Tính đến nay, trên thế giới có 254 triệu người mắc Covid-19 và 5,11 triệu người tử vong. Riêng ở nước ta, số người mắc Covid-19 đã vượt qua mốc 1 triệu, trong đó có gần 23.400 người tử vong. Đại dịch Covid-19 khiến cho hàng ngàn gia đình tang thương, hàng ngàn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Tại Gia Lai, tính từ ngày 26-4 đến nay có 2.550 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 6 ca tử vong. Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, số người mắc và tử vong do đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tuy không phải là vi rút gây chết người và lây lan nguy hiểm nhưng tai nạn giao thông cũng đã gây thiệt hại rất lớn về của cải vật chất và gieo rắc bao nỗi đau thương, tang tóc đối với con người. Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong và khoảng 20-50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 10 tháng năm 2021 (tính từ ngày 15-12-2020 đến 14-10-2021), toàn quốc xảy ra 8.959 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.552 người, bị thương 6.218 người. Riêng tại Gia Lai, trong 10 tháng năm 2021 đã xảy ra 247 vụ tai nạn giao thông, làm chết 176 người, bị thương 191 người.
Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tiếc thương đối với những người đã khuất vì tai nạn, dịch bệnh. Ngoài ý nghĩa tâm linh, những tiếng chuông tưởng niệm trong dịp này sẽ đánh thức tình cảm yêu thương con người, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của cộng đồng đối với những mất mát, đau thương của đồng loại. Sau lễ tưởng niệm chắc chắn sẽ là các hoạt động chăm lo, giúp đỡ gia đình, người thân của những số phận không may mắn. Đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và truyền thống quý báu của dân tộc cũng như nét đẹp tâm hồn của người dân đất Việt: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Tuy vô cùng tiếc thương những người gặp nạn nhưng chắc chắn chúng ta không mong muốn sẽ phải tổ chức các hoạt động tưởng niệm tương tự. Bởi lẽ, không ai muốn chứng kiến có thêm đồng bào mình phải mạng vong vì thiên tai, dịch bệnh và tai nạn hoành hành. Và cũng không ai muốn nguồn lực đất nước bị suy giảm nghiêm trọng bởi tai nạn, thiên tai, dịch bệnh.
Vì vậy, ngay từ lúc này, mọi người nên thể hiện sự yêu thương, chia sẻ bằng những hành động thiết thực cũng như ý thức về trách nhiệm của mình trước những hiểm họa có yếu tố “nhân tai”. Tại sao chúng ta không nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao thông và đề cao văn hóa giao thông để phòng tránh những vụ tai nạn thảm khốc trên đường? Tại sao chúng ta không tuân thủ các quy định về phòng-chống dịch Covid-19 để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi đời sống cộng đồng? Tại sao chúng ta không dừng ngay các hành vi xâm hại môi trường sinh thái để tránh những đòn trừng phạt của Mẹ thiên nhiên?
Thiên tai, dịch bệnh, tai nạn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc góp phần ngăn chặn, đẩy lùi thiên tai, dịch bệnh, tai nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại là có thể và đòi hỏi trách nhiệm của mọi người. 
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm