6 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh. Nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên. Tuy vậy, nhìn chung mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, có 3 yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm. Thứ nhất, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế nên khi nguyên vật liệu đầu vào tăng sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát. Thứ hai là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, nhất là mặt hàng xăng dầu (chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế). Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36%. Còn theo tính toán của các cơ quan chức năng, khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát. Đây là điều quan ngại khi các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Thứ ba, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu lại tăng đột biến bởi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô 350.000 tỷ đồng. “Lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến khoảng 4%-4,5%”, ông Ngô Trí Long dự báo.
Có quan điểm khác, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng, dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm nay còn khá lớn. Để lạm phát trung bình cả năm vượt 4%, lạm phát trung bình 6 tháng cuối năm phải trên 5,56%, tức 6 tháng còn lại, CPI phải tăng bình quân hơn 0,7%/tháng. Xác suất xảy ra kịch bản này không cao bởi 6 tháng đầu năm, bất chấp giá xăng dầu và các nguyên vật liệu tăng mạnh, CPI chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng. Hiện nay, giá xăng dầu và nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất. Do vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra là giá xăng dầu, nguyên vật liệu không tăng mạnh và tốc độ tăng CPI 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này, lạm phát bình quân năm nay sẽ dưới 3,5%.
Dù dự báo khác nhau nhưng nhận định chung của nhiều chuyên gia là khó khăn và thách thức trong kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm rất lớn. Do đó, công tác điều hành, thực hiện hết sức lưu ý các điểm lớn như đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu; Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó với từng mặt hàng trong trường hợp hàng hóa trên thế giới tiếp tục tăng cao…
Trước diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng, gây sức ép đến mặt bằng giá trong nước thì với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh, tiếp tục giữ ổn định giá. Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ tác động đến CPI để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
Theo HÀ MY (SGGPO)