Ước mơ của cô bé mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mất cha từ sớm, cô bé nhà nghèo ấy vẫn tràn trề ý chí và nghị lực vươn lên để nuôi ước mơ về một thế giới tràn đầy tình yêu thương. Đó là Rcom H’Tuyết, học sinh lớp 9 Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Phú Thiện-một trong 2 em học sinh của tỉnh đạt giải dành cho học sinh dân tộc thiểu số trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 44 năm 2015.

Nỗi niềm vắng cha
 
Rcom H’Tuyết là con út trong một gia đình nghèo có đến 9 anh chị em ở buôn Hi Hoan B, xã Ia Hao (huyện Phú Thiện). Ngày mẹ em phát hiện đang mang trong mình hình hài của đứa con thứ 9 cũng là khi bà đã bước sang tuổi 46. Ở cái tuổi này, người trong làng đã lên chức bà nội, bà ngoại cả rồi. Và việc bà mang thai bỗng khiến làng xóm dị nghị lời qua tiếng lại. Bà đi khám, bác sĩ hỏi rằng bà có muốn phá không. Người mẹ ấy đã trả lời bác sĩ bằng một cái lắc đầu đầy quả quyết. Không lâu sau, H’Tuyết chào đời đầy xinh xắn, kháu khỉnh.
 

Rcom H’Tuyết (phải) nhận giải thưởng của cuộc thi viết thư UPU.

H’Tuyết đã mang câu chuyện về người mẹ bên mình như một lá bùa hộ mệnh. Em bảo rằng, em được sinh ra có cha, có mẹ, có một gia đình đã là hơn rất nhiều em bé sinh ra giữa cảnh màn trời chiếu đất. Cho đến một ngày khi em học lớp 5, cha em bị mắc bệnh cao huyết áp rồi đột ngột ra đi. “Lúc ấy, em đã muốn bỏ học để ở nhà phụ giúp mẹ việc nhà chứ mẹ già rồi, các anh chị thì đi làm xa hết cả, chỉ còn mình mẹ làm lụng nuôi em. Nhưng mẹ bảo: “Mày phải đi học đi, để sau này không phải vất vả như mẹ bây giờ”. Thế là, em lại cắp sách đến trường…”-H’Tuyết nghẹn ngào.

Vắng người cha-chỗ dựa vững chắc của gia đình, người mẹ già vẫn tần tảo quanh mấy sào lúa nước, khi lại trồng bắp, khi chuyển trồng đậu xanh. H’Tuyết tâm sự: “Mẹ em già rồi nhưng vẫn phải ra ruộng làm nông, em thương mẹ lắm. Nhà chỉ có mảnh ruộng nhỏ, mẹ em mới trồng đậu, mà đậu chẳng được tốt như người ta. Mẹ lại hay đau ốm nữa. Mỗi lần nghe tin mẹ đau là em lại không cầm được nước mắt”.

Chuyện của búp bê

Không được hưởng trọn vẹn tình yêu thương như chúng bạn nên H’Tuyết có lẽ hiểu hơn ai hết giá trị của tình cảm gia đình. Bởi thế, khi cuộc thi viết thư quốc tế UPU với chủ đề “Hãy viết một bức thư nói về thế giới bạn muốn được lớn lên trong đó” (Tell us about the world you want to grow up in)” thì em đã nghĩ ngay đến một câu chuyện rất ý nghĩa.

H’Tuyết kể, khi em học lớp 7 có học qua truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” và tác phẩm này đã để lại cho em một ấn tượng sâu đậm. Đó là câu chuyện kể về hai anh em của một gia đình khá giả với những món đồ chơi, đặc biệt là hai con búp bê luôn ở bên nhau. Thế rồi, khi cha mẹ của hai anh em li dị, người anh trai phải theo bố, em gái phải bỏ học theo mẹ về miền quê. Vậy là hai anh em phải chia nhau những món đồ chơi, tách rời hai con búp bê vốn gắn liền với nhau. Kết thúc truyện là hình ảnh người em gái lên xe đi với mẹ nhưng vẫn kịp cầm một con búp bê quay lại đưa người anh để chúng không phải chia lìa như chính hai anh em họ.

“Đó là một câu chuyện rất cảm động. Vì thế khi viết thư, em đã hóa thân vào con búp bê để nói với bà chủ-mẹ của cô bé rằng bà là người mẹ chắc hẳn bà không muốn nhìn thấy con mình phải xa nhau, bà cần phải biết lắng nghe cô bé, bà phải thấu hiểu cô bé đang đau khổ như thế nào?! Trẻ em cần tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ chứ không thể thiếu một trong hai được. Và qua bức thư ấy em cũng muốn nói đến một thế giới mà em mong ước là trẻ em cần sự quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa từ gia đình và xã hội chứ như hiện tại nhiều cha mẹ quá mải mê kiếm tiền mà bỏ bê con cái”- H’Tuyết chia sẻ.

Ngoài ra, cũng chính từ câu chuyện của mình, em tỏ ra khá già dặn khi lên án thực trạng nhiều bạn trẻ sống gấp, yêu vội để rồi phải phá thai. Em nói: “Chính họ đã đưa những sinh linh nhỏ bé đến thế giới này nhưng không cho chúng tận mắt nhìn thấy thế giới thì đó là một tội lỗi”.

Rcom H’Tuyết vẫn luôn mong một ngày lớn lên có thể góp một phần “ dù chỉ là nho nhỏ” để xây dựng đất nước giàu mạnh. Ngay từ bây giờ, cô bé Jrai học giỏi xinh xắn ấy ước mơ trở thành một nữ luật sư để bảo vệ công lý, bảo vệ sự bình đẳng cho tất cả mọi người vì một thế giới hòa bình chỉ có tình thương giữa con người với con người…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm