Ước mơ giản dị của những người lính tình nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nay, trong số 1.350 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của toàn tỉnh thì đã có đến 710 thanh niên viết đơn tình nguyện vào quân ngũ. Trong số đó có không ít thanh niên được biên chế vào lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Theo chân Đại tá Nguyễn Đức Thành- Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi thăm Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động-BĐBP tỉnh vào một buổi chiều sau 2 ngày đơn vị vừa nhận 80 tân binh từ các huyện Ia Grai, Đức Cơ và TP. Pleiku về đơn vị huấn luyện.

Trước mắt chúng tôi, từ trước cổng doanh trại cờ, hoa, băng rôn khẩu hiệu vẫn còn nguyên vẹn đỏ rực từ ngoài vào tận sâu bên trong mà trước đó đơn vị đã bố trí một cách long trọng để đón số tân binh này về đơn vị huấn luyện.
 

Luyện tập những động tác đội ngũ đầu tiên. Ảnh: X.H
Luyện tập những động tác đội ngũ đầu tiên. Ảnh: X.H

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là doanh trại sạch sẽ, tinh tươm để chuẩn bị cho mùa huấn luyện tân binh. Bên cạnh đó, khi được tiếp xúc với những người lính trẻ vừa “bóc tem” là nhìn ai cũng khỏe khoắn, trẻ trung. Biết rằng, dù chỉ mới có 2 ngày thôi, thời gian thật ngắn ngủi nhưng số tân binh này ai cũng tóc tai gọn gàng, xưng hô chào hỏi lễ phép, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát. Thoáng qua, nhìn nét mặt ai cũng rạng ngời với những ánh mắt lấp lánh tràn đầy tự tin.

Dẫn chúng tôi xuống thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Đại úy Lê Quốc Tiến-Tiểu đoàn trưởng tâm sự: “Dù mỗi người một quê, nhưng đã vào đây, ai cũng xem nhau là đồng chí, đồng đội, anh em. Là đơn vị chuyên huấn luyện tân binh nên chúng tôi rất có kinh nghiệm. Đón tân binh về tới đơn vị, chúng tôi đã phân công cán bộ ngay lập tức tiếp cận trao đổi tâm tư, nguyện vọng, động viên anh em, coi tân binh như anh em ruột thịt trong nhà nên ai cũng vui vẻ, phấn khởi”.

Đại úy Lê Quốc Tiến còn cho chúng tôi biết thêm: “Trong số tân binh nhập ngũ vào đơn vị đợt này, có 2 đảng viên và trên 90% tân binh viết đơn tình nguyện, kể cả có nhiều đồng chí đã có vợ con nhưng vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tất cả tân binh này đều có một ước mơ rất giản dị là vào quân đội sẽ được cống hiến sức trẻ và sẵn sàng phục vụ lâu dài trong quân đội để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Trò chuyện với chúng tôi, tân binh Dương Văn Cường tâm sự: “Em vừa tốt nghiệp Đại học Duy Tân-Đà Nẵng, đang chờ xin việc. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc với trách nhiệm của một thanh niên em đã giấu cha mẹ viết đơn tình nguyện vào quân đội. Vào quân đội em hứa sẽ cố gắng học tập, huấn luyện thật tốt, hy vọng sau này em sẽ được ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội để mang sức trẻ, trí tuệ cống hiến cho Tổ quốc”.

Cũng như Cường, tân binh Nguyễn Quốc Dũng cũng vậy. Dũng được sinh ra trong một gia đình khá giả, Dũng tốt nghiệp Cao đẳng Điện tử Viễn thông, đã đi làm được một thời gian. Cha Dũng là Chủ tịch UBND một phường ở Pleiku, 2 anh chị đầu đã có công việc làm ổn định, hiện chị gái đang đi du học ở nước ngoài, em trai đang học lớp 12. Là một đảng viên, khi biết được địa phương tuyển chọn thanh niên lên đường nhập ngũ, trong gia đình lại chưa có ai đi bộ đội, Dũng đã xin cha mẹ cho nghỉ việc để viết đơn tình nguyện vào quân ngũ. Được toại nguyện ý định, Dũng hứa quyết tâm huấn luyện thật giỏi với ước nguyện sau này sẽ được ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Tân binh Ksor Yin, 22 tuổi, đã có vợ và một con gái 6 tuổi, cuộc sống gia đình lại rất khó khăn. Hiện vợ chồng con cái đang sống nhờ nhà bà nội năm nay đã 80 tuổi, nhưng với trách nhiệm của đời trai, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, Yin đã bàn với vợ con và bà nội cho mình được vào quân ngũ “Nay được toại nguyện vào quân đội tuy có phần nhớ vợ con, bà nội nhưng mình sẽ cố gắng huấn luyện thật tốt để cùng đồng đội mong được góp sức trẻ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ngay chính trên quê hương của mình”-Ksor Yin tâm sự.

Đặc biệt, trong số 80 tân binh đợt này, điều làm chúng tôi xúc động và cảm phục nhất phải nói đến tân binh Puih Lư. Lư có hoàn cảnh khá éo le mà có lẽ khó có thanh niên nào có thể vượt qua để vươn lên trưởng thành trong cuộc sống. Năm 1995, cha mẹ và đứa em gái 1 tuổi đi đánh bắt cá trên sông Pô Cô không may bị lật, dòng nước đã cướp đi sinh mạng của cha mẹ và đứa em gái bé bỏng, lúc đó Lư mới 3 tuổi. Lư được người chú đưa về nuôi dưỡng cho ăn học hết lớp 12. Trao đổi với chúng tôi, Lư cho biết: “Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, em đã rất thích hình ảnh của người Bộ đội Cụ Hồ. Tốt nghiệp THPT, em đã xin phép cô chú cho em viết đơn tình nguyện vào bộ đội. Cô chú vui lắm.

Em hứa quyết tâm học tập và huấn luyện thật giỏi để không phụ công ơn nuôi dưỡng của cô chú và cha mẹ”.

Xuân Hoàng

Có thể bạn quan tâm