Uống trà trị bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một tách trà không chỉ đơn giản là giải khát, mà trên hết có thể mang lại những ích lợi về sức khỏe, tùy theo từng loại trà cụ thể, theo tiết lộ mới của giới chuyên gia.
 

 


Nhà dinh dưỡng học người Anh Neema Savvides của bệnh viện chuyên điều trị vô sinh Harley Street tại London đã cung cấp những thông tin đặc biệt về trà, trong đó có những điều chưa từng được biết đến trước đây.


Theo đó, những loại trà khác nhau ngoài việc thỏa mãn khẩu vị của từng người còn có thể cung cấp sự trị liệu cần thiết cho tình trạng sức khỏe của họ.

Trà truyền thống của Anh

Loại trà được dân Anh yêu thích nhấm nháp vào mỗi buổi sáng được cho là có công dụng tăng cường năng lực sinh sản cho cả nam lẫn nữ vì giàu chất chống ô xy hóa. Tuy nhiên, việc thêm sữa vào trà có thể giảm những thành phần chống ô xy hóa, do vậy chỉ nên uống trà thuần túy hoặc thêm một lát chanh và mật ong để giữ nguyên tác dụng của trà Anh.

Trà gừng và chanh

Thêm gừng và chanh vào món trà có thể bổ sung năng lực chống viêm nhiễm, đặc biệt hữu dụng đối với những phụ nữ mắc chứng lạc nội mạc tử cung. Những loại trà này còn có khả năng thanh lọc, giảm đau và cải thiện tuần hoàn máu cho các cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, gừng đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ những vấn đề tiêu hóa, như trướng bụng, tiêu chảy.

Hồng trà Nam Phi

“Siêu sao” trong lĩnh vực xuất khẩu của Nam Phi nổi tiếng là loại thức uống chứa nhiều chất chống ô xy hóa và là nguồn dồi dào vitamin C, chất thúc đẩy cả lượng và chất của tinh trùng. Hơn nữa, hồng trà Nam Phi không hề chứa caffeine, có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản của người uống ở liều cao, cho nên phù hợp đối với những ai đang nỗ lực thụ thai. Ngoài vitamin C, loại trà này còn là tổ hợp đầy đủ khoáng chất từ can xi, ka li, ma giê, kẽm, đồng, natri, sắt, mangan.

Trà lài

Theo các tài liệu từ Trung Quốc, loại trà có mùi thơm quyến rũ có năng lực kích thích dục tình và thúc đẩy khả năng sinh sản. Các chất chống ô xy hóa có thể hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, góp phần trong cuộc chiến chống ung thư, giải tỏa các rối loạn đường ruột, góp phần hạ cholesterol và bình ổn huyết áp cao. Tuy nhiên, trà lài chứa caffeine nên chỉ uống một lượng vừa phải, tránh uống vào ban đêm nếu không muốn mất ngủ.

Trà xanh

Có biệt danh “siêu trà”, trà xanh thường xuyên được tán dương về vô số năng lực bổ trợ sức khỏe. Các cuộc nghiên cứu phát hiện nó chứa hypoxanthine và polyphenol, những chất có thể dẫn đến tăng cường năng lực sống sót của phôi.

Chúng còn hỗ trợ trứng trưởng thành và có thể là nguyên nhân giúp trứng trở nên dễ thụ tinh hơn. Bên cạnh đó, những chất chống ô xy hóa và polyphenol còn bổ sung sức khỏe sinh sản bằng cách khôi phục các tổn thất dưới áp lực từ môi trường, thực phẩm, bệnh tật, lão hóa. Các công dụng tiềm năng khác của trà xanh bao gồm hỗ trợ chức năng não, giúp ổn định tâm trạng lo âu, tăng cường quá trình trao đổi chất nên giúp giảm béo.

Trà cây tầm ma

Loại trà này chứa các vitamin A, C, D và K, có khả năng hỗ trợ năng lực sinh sản, trong khi có thể bổ sung các chất can xi, ka li, sắt và lưu huỳnh, giúp giải quyết một số tình trạng dị ứng. Trà cây tầm ma để nguội có thể được bôi trực tiếp lên da để loại bỏ các vấn đề da khô và gây ngứa.

Trà bạc hà

Chất bạc hà trong trà giúp con người sảng khoái và cải thiện tâm trạng trong ngày cho người uống. Đây là thức uống dành cho những ai đang nỗ lực thụ thai, vì nó giúp giảm stress. Trà bạc hà còn có thể giảm tình trạng nôn ói trong thời gian mang thai, cũng như hỗ trợ tiêu hóa. Những người đang bị ho hen hoặc cảm, đau họng hoặc hơi thở thối do các vấn đề bệnh tật cũng có thể nhờ cậy công năng đặc biệt của trà bạc hà.

Trà táo và trà quế

Một số báo cáo đã chứng minh quế có ảnh hưởng tích cực đối với những phụ nữ mắc chứng rối loạn hóc môn do hội chứng buồng trứng đa nang. Giới khoa học cũng tìm được chứng cứ cho thấy quế hỗ trợ tuần hoàn máu đến các cơ quan sinh sản, đồng thời điều tiết lượng đường huyết trong cơ thể, và giúp giảm lượng cholesterol nhờ vào chất mangan trong trà.

Trong khi đó, táo chứa B6 tăng cường hàm lượng ô xy trong máu, có tác dụng tích cực đối với hệ miễn dịch bằng cách hỗ trợ các chức năng tạo ra bạch cầu.

Mai Thương (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm