(GLO)- Nói gì thì nói, bàn cãi gì thì bàn cãi, cây cao su giờ đã là một thực thể tồn tại ngút ngàn trên Tây Nguyên. Và phải thừa nhận, nó có những vẻ đẹp riêng.
Hồi nhỏ, thế hệ chúng tôi luôn ám ảnh với những câu ca dao hoặc thơ như: “Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng khi về bủng beo” hoặc “Cao su xanh tốt lạ đời/Mỗi cây bón một xác người công nhân” hay “Lỡ lầm vào đất cao su/Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”... Thuộc và ám ảnh và kinh sợ cao su.
Cao su mùa thay lá. Ảnh: internet |
Đến khi lớn chút, tôi đã sững sờ khi nghe rồi thuộc câu này: “Trời mưa ướt lá cao su/Ướt em em chịu, ướt mùa thu em buồn”. Những câu trên là sự oán thán của cô công nhân cao su với nghề của mình, còn câu dưới bật lên sự trong trẻo, lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên và yêu công việc.
Câu thơ đẹp đến nao lòng, trong trẻo và hết sức lãng mạn. Ta đọc được ở đây sự tinh tế trong cách thể hiện, một cách nhìn hết sức tường minh trước cái đẹp, cái mong manh, cái hiện hữu như có như không của một mùa thu vừa bí ẩn vừa rỡ ràng.
Công nhân cao su khổ lắm, từ hồi lai tháp cây giống cho đến khi lấy mủ. Nguyên tắc lấy mủ là phải lấy từ khi trời chưa sáng nên mới có những nhà trẻ của nông trường đón cháu từ lúc... nửa đêm. Trời âm u thế, chỉ có ngọn đèn bé tí loang loáng trong bao la màn đêm đủ cho họ soi lấy mủ. Và mưa. Mùa mưa là mùa khổ nhất của công nhân cao su. Thế mà họ, trong một cảm hứng bất tận về cái đẹp, trong một sự hy sinh vô bờ bến cho cái đẹp, đã thốt lên: “Ướt em em chịu, ướt mùa thu em buồn”. Tôi, cho đến bây giờ mỗi khi đọc đến câu thơ này vẫn nao nao cảm xúc.
Cái đẹp nhiều khi rất lạ. Nó là sự hy sinh, đau đớn của chủ thể. Thì như mùa cao su rụng lá ấy. Mùa này đi dọc đường 14 từ Pleiku xuống Chư Sê, hoặc đường vào Chư Prông, hoặc các con đường có cao su, lá rụng vàng rực như ta đang đi trong chiều xa vắng của nước Nga hồi nào để họa sĩ thiên tài làm nên cái màu vàng Levitan bất tử. Nhưng ai nhớ ai biết, đấy là mùa cao su đau đớn nhất. Lá rụng đã đau, rụng để bảo vệ cây, hy sinh cho cây thì ý nghĩa càng đau. Nhớ có lần tôi đi cùng các bạn ở Hà Nội vào, đến đoạn Chư Sê, bạn nhất quyết bắt dừng xe, ào ào chạy vào lô. Rợn ngợp, phải nói là như thế. Lá vàng rực rụng đầy như đang giữa thu (cao su rụng lá vào mùa xuân). Những cành cây khẳng khiu vươn lên trời, những thân cây thẳng tắp, luống cũng thẳng tắp. Xôn xao tiếng bấm máy ảnh. Xôn xao tiếng trầm trồ. Ai đó thốt lên: Sao không có những tour du lịch ngắm cao su rụng lá nhỉ?
Tôi cũng chứng kiến rất nhiều bạn trẻ vào rừng cao su chụp ảnh cưới. Đẹp rực rỡ và trầm lắng. Là nói cái sắc độ màu của ảnh, giữa trắng tinh khiết của váy áo, sẫm nâu hoặc bạc của đất của thân cây và vàng của lá, lại thêm cái lỗ chỗ của nắng xiên xuống. Và bất chợt thốt lên những câu thơ: “Chắt đến tận cùng sự sống/lá vàng đau úa cả chiều/nhựa cây ứa trào như máu/cao su oằn mình trong mưa/Bao nhiêu lời thơ lá vàng/bao nhiêu bài ca nhựa trắng/bao nhiêu con đường rợp nắng/dập dìu tình yêu đi qua/Chiều nay giật mình đứng lặng/lá vàng rơi nát không gian...”. Quả là, khi chạy xe trên con đường 14 ấy, quang cảnh 2 bên chẳng khác gì một vùng nào đó ở nước ngoài. Đẹp và khoáng hoạt, kỳ vĩ và đầy xúc cảm.
Tôi đã từng vào tận Đồng Nai, nơi có vườn cao su bảo tồn với diện tích 8 ha nằm ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Đây là vườn cao su đầu tiên do người Pháp trồng, còn sót lại ở Việt Nam cho đến ngày nay. Vườn đang được Nông trường Cao su Dầu Giây trực tiếp quản lý, bảo tồn và đã tồn tại 112 năm. Hầu như ai vào cũng nghiêng mình trước các... cụ cao su ở đây. Và nó sẽ là nơi du lịch cần khám phá nếu như có sự bắt tay giữa du lịch và cao su...
Lại nhớ ở miền Tây, hầu như cái gì có mặt trên đất họ đều có thể biến thành sản phẩm du lịch, từ cây cầu khỉ, vườn trái cây, đến một đoạn kinh 2 bên lòa xòa đước bần và dừa nước. Từ cái hang bé tẹo giữa đồng đến trái núi như cái... bát úp.
Vậy nên, mỗi khi có dịp bạn bè lên Pleiku là tôi lại lôi họ đi tứ tung. Và một trong những điểm... tứ tung là các rừng cao su trùng điệp như sóng ở Gia Lai. Vào đấy, tay mơ mấy cũng thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, thành thi sĩ. Có máy ảnh chuyên nghiệp thì tốt, không thì cùi bắp cũng có ảnh, không đẹp thì cũng đủ tiêu chuẩn lên... phây búc.
Và những khi ấy, cái câu thơ nao lòng “Ướt em em chịu, ướt mùa thu em buồn” lại văng vẳng khiến lòng chùng xuống, khiến ta như không dám cử động mạnh, không dám làm điều gì thất thố, chỉ sợ chiều tan mất, sợ mùa thu buồn. Còn nỗi nhân văn nào hơn thế?
Văn Công Hùng