Ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gia Lai là tỉnh miền núi cao nguyên với 46% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt trong số này chiếm đến 80% tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh. Vì vậy, giúp bà con đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, thực hiện thành công nghị quyết về  phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng, trực tiếp là triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.
Hà Đông-xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa. Ảnh: Thất Sơn
Sau bước khởi đầu còn khá lúng túng, đến nay công tác này đang được đẩy mạnh. Hướng đến khu vực cần được tác động hỗ trợ, Chương trình XDNTM được các dân tộc trên địa bàn tỉnh đồng tình, ủng hộ, tạo không khí dân chủ, cởi mở khi triển khai thực hiện. Hiện nay các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng quy chế làm việc, phân công lãnh đạo xuống cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai hợp lý, kịp thời. Ngoài nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, các địa phương chủ động lập dự toán kinh phí nhằm đảm bảo hoạt động của chương trình. Các xã điểm của tỉnh và huyện đang tiến hành những bước đi quan trọng trong Chương trình XDNTM. Các thôn làng trong tỉnh cũng đã thành lập ban XDNTM do trưởng thôn làm trưởng ban. Một số xã đã tổ chức hội nghị lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện trên địa bàn...
Trên thực tế, những năm qua nông thôn Việt Nam đã có nhiều chuyển biến và đổi thay tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung nông thôn còn nhiều tồn tại, hạn chế, có khi là những tồn tại, hạn chế kéo dài, nhất là nơi có đông đồng bào DTTS, như phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ; đời sống vật chất và tinh thần thiếu thốn, khó khăn; hủ tục nặng nề; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; người dân còn có tâm lý trông chờ ỷ lại; an ninh chính trị tiềm ẩn yếu tố bất ổn...
Ngay cả trong cộng đồng bà con DTTS, sự phân hóa giàu nghèo cùng các điều kiện sản xuất và đời sống cũng chênh lệch khá cao. Lĩnh vực giáo dục, y tế tuy có được quan tâm nâng cao nhưng luôn thiếu ổn định và bền vững, ngay cả cơ sở trường lớp, trạm y tế; một số công trình xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa có kinh phí tu sửa hay khắc phục kịp thời. Đây là một trong những khó khăn chung đối với nhiều địa phương trong phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Sau một thời gian triển khai, công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra chưa được cụ thể hóa bằng hành động, nhất là ở cấp xã; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Một số cán bộ và người dân còn chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức, cách làm, cũng như chính sách của Nhà nước về XDNTM.
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tỉnh, huyện, cơ sở hạ tầng nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh được đầu tư xây dựng. Điện, đường, trường, trạm khiến cho nhiều xã vùng sâu đổi thay trông thấy. Nhất là sự thay đổi tích cực của mạng lưới giao thông. Xã Kon Pne, huyện Kbang trước đây là “ốc đảo” nhưng với hơn 100 tỷ đồng đầu tư, con đường nối liền với xã từ xã Đak Krong đã chấm dứt vĩnh viễn tình trạng ách tắc giao thông, nhất là vào mùa mưa bão. Tương tự, Hà Đông là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, cách trung tâm huyện gần 60 km. Trước đây, đường vào xã Hà Đông chưa có, chỉ bằng cách cắt rừng hướng từ xã Ayun ngược lên để vào xã. Nhưng nay đã có đường từ Đak Sơ Mei đi vào, tuy rằng “đường còn chưa ra đường”, nhất là vào mùa mưa. Hỏi chuyện, cán bộ, nhân dân đều cho biết: Nguyện vọng mà cũng là ước mơ lớn nhất của họ khi triển khai chương trình, đề án XDNTM là xây dựng con đường vào xã.
Mục đích, yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân không dừng lại ở một địa phương nào, tuy nhiên, để đảm bảo tính cấp thiết, đồng bộ, thống nhất và bền vững, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS phải được chú trọng đầu tiên. Chú trọng ngay từ trong nhận thức của các cấp lãnh đạo cho đến công tác khảo sát, điều tra, lập quy hoạch, thành lập ban chỉ đạo, huy động nguồn lực thực hiện, trong đó có việc phát huy sự đoàn kết thống nhất và vai trò làm chủ của người dân đối với một chương trình lớn của đất nước, trong đó người dân trực tiếp hưởng lợi đầu tiên. Cùng với chủ thể của quá trình xây dựng, các cấp, các ngành phải xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ, là sự hàm ơn đối với những nơi đã từng chịu nhiều hy sinh, mất mát, một lòng theo Đảng, Bác Hồ ủng hộ cách mạng cho đến ngày toàn thắng cũng như trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Khảo sát một loạt địa phương từ Bắc đến Nam trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mau chóng đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và đơm hoa kết trái thành công.
Cũng với Tổng Bí thư, nhiệm vụ của các địa phương hiện nay là tiến hành tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác XDNTM từ tỉnh, huyện đến xã. Đẩy mạnh triển khai XDNTM tại các xã điểm làm cơ sở nhân rộng ra ở địa phương mình.Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và tập trung thực hiện chương trình XDNTM trong quần chúng nhân dân. Các địa phương phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư gắn với XDNTM. Tổ chức các cuộc họp ở thôn, làng, mở rộng dân chủ để người dân tham gia vào công tác quy hoạch, đề án XDNTM nhằm tạo sự quan tâm của toàn xã hội để nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn, tự nguyện đóng góp sức người sức của tham gia một cách hiệu quả vào chương trình.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm