Vẫn còn nặng bệnh thành tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, đã gần 12 năm kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc vận động “2 không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với một kế hoạch tổ chức được ban hành khá bài bản. Bộ trưởng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân hy vọng, đây là khâu đột phá sẽ tạo nên những bước phát triển mới, phá vỡ các vòng tiêu cực luẩn quẩn đang tồn tại, đưa giáo dục nước ta phát triển lành mạnh, bền vững và từng bước hội nhập quốc tế.

Khi chọn điểm đột phá này, Bộ cũng đã nghiên cứu khá kỹ từ thực tế những tiêu cực tích trữ lưu niên trong giáo dục-căn bệnh thành tích-làm xói mòn lòng tin. Ban đầu, kế hoạch đã được toàn ngành Giáo dục và cả xã hội đồng tình. Một vài kỳ thi tốt nghiệp THPT sau đó đã được tiến hành khá chặt chẽ với yêu cầu “học thật-thi thật”, kết quả thi ở nhiều địa phương đã tiệm cận trình độ, năng lực thật của học sinh, trong đó nhiều trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp thấp dưới 50%.

 

Ảnh minh họa

Từ thực tế đáng buồn này, nhiều địa phương trước đây thường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 99-100% phát hoảng. Nhưng cũng qua đó, ngành Giáo dục đã nhận ra những lỗ hổng trong chuyên môn, nhất là phương pháp dạy và học, từ đó ra sức chấn chỉnh để từng bước nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, cuộc vận động  “2 không” mang tính phong trào này đã dần bị xao nhãng; các địa phương cũng cảm thấy việc “làm căng” trong thi cử thì chỉ tự chuốc lấy thất bại về mình, các phong trào thi đua trong giáo dục bị “xuống cấp” trầm trọng, lãnh đạo ngành, lãnh đạo trường bị thiệt thòi, thậm chí bị chỉ trích, kiểm điểm.

Do vậy, căn bệnh thành tích có đất sống và nó trỗi dậy dưới nhiều hình thức khác nhau khiến cho việc đánh giá chất lượng giáo dục không đi đúng quỹ đạo như mục tiêu ban đầu đề cập. Giờ đây, điều dễ nhận thấy là trong các kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây, nhiều trường từ miền núi đến đồng bằng luôn chạm mức cao nhất (từ 90% trở lên), trong khi chất lượng thực chất theo đánh giá cuối năm học của nhiều trường chỉ là 60-70%.

Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay còn nằm ở nhiều dạng, đó là việc chạy theo các chỉ tiêu thi đua hàng năm, đưa ra những tiêu chí khống để được công nhận trường chuẩn quốc gia... Từ đó mới có số liệu rất đẹp, như ở bậc tiểu học, có lớp đạt 70-90% học sinh khá giỏi, không có học sinh ở lại lớp. Nhưng thực chất, nơi đó lại có nhiều học sinh ngồi... nhầm lớp.

Mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa ra cảnh báo rằng, nền giáo dục nước ta đang tụt hậu so với Campuchia. Cách đây nhiều năm, Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao Campuchia đã làm cuộc vận động “học thật-thi thật” và đến nay đã có những tiến bộ đáng kể, học sinh tự nhận thức đúng đắn về sự học của mình. Đại diện UNESCO nhận xét: Giáo dục Campuchia đã có những tiến bộ vượt bậc, chất lượng giáo dục từng bước đi vào thực chất. Điều đó khiến chúng ta cần quyết liệt hơn với bệnh thành tích trong giáo dục đang gây ra khối ung nhọt, bào mòn những thành quả sự nghiệp giáo dục được xây dựng từ nhiều thế hệ nay.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm