Vấn đề chưa bao giờ cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự gia tăng của các loại tội phạm xã hội, đặc biệt là đối tượng phạm tội trong độ tuổi thanh-thiếu niên luôn là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Những con số được ngành chức năng tỉnh Gia Lai đưa ra mới đây lại tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề này.

81,8% đối tượng giết người có độ tuổi 16-30

Đó là thông tin được Thiếu tướng Trần Đình Thu-Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đưa ra tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X dựa theo kết quả phân tích do lực lượng chức năng tiến hành trên 30 vụ án giết người trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Phần lớn các vụ án đều xuất phát từ việc đối tượng và nạn nhân đã ăn nhậu, uống rượu bia trước đó. iệc ứng xử thiếu văn hóa cùng với việc sử dụng chất kích thích bia rượu đã làm gia tăng xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ giết người, cố ý gây thương tích trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta.

 

Một nhóm tuổi teen ra tòa lãnh án vì tội giết người. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2013, tỉnh Gia Lai phát hiện và bắt giữ 696 đối tượng thanh-thiếu niên gây án, chiếm 69,7% tổng số đối tượng phạm tội (tăng 7,6% so với năm 2012). Trong đó, đối tượng làm nông, làm thuê chiếm 48,3%, đối tượng không có nghề nghiệp chiếm 44,8%. Loại tội phạm thanh-thiếu niên thường thực hiện là sử dụng bạo lực (giết người, cố ý gây thương tích, gây rối, chống người thi hành công vụ…) và xâm hại tình dục. Có đến 16,8% đối tượng gây án là người dân tộc thiểu số và 23,8% số em vi phạm khi dưới 18 tuổi. Trong số này, các em học đến THCS chiếm 46,9% và THPT chiếm 37,9%; 78,3% số em khi gây án đã bỏ học.

Trong năm 2013, số vụ cướp giật xảy ra trên địa bàn tỉnh tăng 41,3%, địa bàn xảy ra các vụ cướp giật tập trung chủ yếu ở khu vực TP. Pleiku (chiếm 78%). Lực lượng chức năng đã bắt giữ 26 đối tượng, trong đó 23% đối tượng dưới 18 tuổi, số còn lại từ 18 đến 30 tuổi. Đây hầu hết là những đối tượng thanh-thiếu niên lêu lổng, không chịu lao động nhưng lại muốn nhanh chóng có tiền tiêu xài.  

250 triệu đồng/ngày đổ vào ma túy

Trong năm qua, nổi cộm là tình trạng hoạt động của tội phạm ma túy. Thiếu tướng Trần Đình Thu đưa ra những con số đáng báo động: Tính đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 1.009 đối tượng liên quan đến ma túy; 130/222 xã, phường, thị trấn thuộc 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có đối tượng liên quan tới ma túy, tăng 20 địa bàn so với cuối năm 2012. “Nếu tính trung bình mỗi ngày, số tiền mà các đối tượng nghiện trên địa bàn tỉnh đổ vào ma túy khoảng 250 triệu đồng. Số đối tượng tái nghiện sau cai lên tới hơn 90%. Đa số gia đình có con em bị nghiện ma túy đều tìm mọi cách bất hợp tác với lực lượng chức năng”-Thiếu tướng Trần Đình Thu nhấn mạnh.

 

Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm, toàn tỉnh xảy ra 895 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 41 người, bị thương 168 người, tổng thiệt hại về tài sản khoảng 22 tỷ đồng. So với năm 2012, con số này tăng 21 vụ, 1 người chết và 5 người bị thương, tăng 9,1 tỷ đồng tài sản thiệt hại. Trong đó, một số loại tội phạm tăng cao, như: giao cấu trẻ em (57/39 vụ), cố ý gây thương tích (127/115 vụ)… Tội phạm trộm cắp tài sản tăng 8 vụ và chiếm 47,3% trong tổng số vụ phạm tội. Tình trạng phạm tội và vi phạm pháp luật trong độ tuổi thanh-thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục gia tăng, chiếm 65,2% trong thanh-thiếu niên; 28,7% trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đáng chú ý là ngày càng có nhiều thanh-thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp, hàng đá. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai tích cực nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh nhưng tội phạm ma túy vẫn tăng. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do sự tha hóa của một bộ phận lớp trẻ do cơ chế thị trường; người nhập cư từ các vùng khác đến cao; công tác cai nghiện đạt hiệu quả thấp (trên 90% tái nghiện sau cai), tỷ lệ tái nghiện cao và tình trạng thất nghiệp, lêu lổng, thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình.

Tình trạng gia tăng tội phạm ở độ tuổi thanh-thiếu niên không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà hệ lụy của nó còn kéo dài cho tới tận mai sau. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do tác động của phim ảnh bạo lực, đồi trụy dẫn đến thái độ và hành vi sai trái của các em thì nguyên nhân chính là do sự thiếu quản lý, giáo dục của các bậc phụ huynh đối với con em mình. Lối sống buông thả, thích hưởng thụ khiến các em dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các vụ cướp của, trộm cắp tài sản, nghiện ngập… 

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm