Vấn đề cốt lõi là vận hành các chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo đánh giá của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đến cuối năm 2013 toàn tỉnh còn 53.389 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 17,23%); trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 44.269 hộ (chiếm tỷ lệ 82,92%) so với tổng số hộ nghèo và chiếm 35,67% so với tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây thật sự đang là vấn đề lớn đặt ra trong công tác thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh từ nay cho đến năm 2015.

    Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa. Ảnh: Đức Thụy
Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa. Ảnh: Đức Thụy

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh (khóa X), đã có ý kiến đánh giá công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua đạt được một số mục tiêu quan trọng, nhưng số hộ nghèo giữa các vùng còn bất cập, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ tái nghèo rất cao. Với tỷ lệ 82,92% hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là không thể chấp nhận được. Do đó, phải tập trung tìm ra cho được vấn đề cốt lõi của công tác giảm nghèo và có giải pháp khắc phục để thực hiện cho đạt chương trình giảm nghèo bền vững đúng như nghị quyết đã đề ra.

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, người nghèo có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, văn hóa, giải quyết việc làm phát triển sản xuất tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo; phong trào xóa đói giảm nghèo đã được xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của toàn xã hội, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt… Đạt được những kết quả trên, điều đầu tiên phải nhắc đến là sự chỉ đạo, sự vận hành đồng bộ các chính sách trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, từ cấp tỉnh đến cơ sở. Điển hình trong công tác này là thực hiện các chính sách về tín dụng ưu đãi đối với nông dân trong sản xuất. Trong 3 năm qua, các ngân hàng đã đạt tổng doanh số cho vay 759,162 tỷ đồng, với 52.042 lượt hộ vay vốn; bình quân 1 hộ vay 14,6 triệu đồng. Đa số hộ nghèo đã sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện hoàn trả vốn đúng quy định. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho nông dân về nông nghiệp-nông thôn được chú trọng; hướng dẫn kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, vật nuôi... Các chính sách chương trình dự án giảm nghèo đã được lồng ghép, triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Người dân xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) nhận bò giống sinh sản. Ảnh: K.N.B
Người dân xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) nhận bò giống sinh sản. Ảnh: K.N.B

Tuy vậy, đề cập đến vấn đề vì sao tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao? Nhìn vào thực tế chúng ta đều thừa nhận rằng: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số hiện tại còn nhiều khó khăn; còn trên 3,5% số người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và 1,6% số hộ nghèo là người cao tuổi cô đơn; nhiều hộ nghèo còn gặp khó khăn về nhà ở. Hàng năm, số hộ tái nghèo chiếm từ 8% đến 10% trên tổng số hộ thoát nghèo. Chất lượng về giáo dục và y tế tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đào tạo nghề và việc làm cho đồng bào chưa thật sự bền vững. Việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình phần lớn các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn lực của cấp trên, đa số người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa ý thức vươn lên thoát nghèo. Trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu sâu sát; sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp chưa thật sự gắn kết; chế độ thông tin báo cáo chưa thường xuyên kịp thời; chưa huy động tối đa sự đóng góp của cộng đồng xã hội cho công tác giảm nghèo…

Trước thực trạng trên, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của tỉnh, trước mắt cần thực hiện nhóm giải pháp cụ thể đối với người nghèo như: tập trung giải quyết đất sản xuất, vốn, kỹ năng canh tác, kiến thức việc làm cho người địa phương và đối với hộ nghèo do thiếu lao động, bệnh tật, già yếu, khó  khăn về nhà ở… Đặc biệt, nâng cao năng lực lãnh đạo của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện nhóm giải pháp về chỉ đạo nâng cao năng lực giảm nghèo. Lồng ghép có hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo như dự án IFAD, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên do Ngân hàng Thế giới tài trợ (dự án WB), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình nước sạch nông thôn. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bằng nhiều hình thức làm thay đổi cách làm, nếp nghĩ trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Triển khai có hiệu quả về thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù, đối với các huyện nghèo như: Krông Pa, Ia Pa, Kbang và Kông Chro có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trần Văn Nghĩa

Có thể bạn quan tâm