Trong lịch sử xã hội loài người, từ khi đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc dẫn đến ra đời nhà nước, vấn đề quyền lực và kiểm soát quyền lực luôn được đặt ra. Ngày nay, quyền lực và kiểm soát quyền lực là vấn đề lớn, phức tạp trong đời sống chính trị và pháp lý của các quốc gia, dân tộc. Quyền lực là "quyền định đoạt và sức mạnh để đảm bảo sự thực hiện", bao gồm quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Quyền lực chính trị thuộc về đảng chính trị hay lực lượng cầm quyền, quyết định những vấn đề quan trọng về chính trị, tổ chức và hoạt động của hệ thống hay chế độ chính trị. Quyền lực nhà nước là "sự lãnh đạo chính trị đối với xã hội dựa vào sức mạnh của bộ máy nhà nước, là công cụ thực hiện ý chí của giai cấp thống trị hoặc toàn thể nhân dân". Các quyền lực đó được thực hiện đồng thời, được kiểm soát thông qua các tổ chức, hệ thống pháp luật và các quy định, định chế cần thiết.
Chế độ phong kiến ở Việt Nam trước đây, cũng giống như ở các nước, quyền lực tuyệt đối thuộc về vua. Tuy vậy ngay từ thời kỳ đó, đã sớm có văn bản pháp luật để kiểm soát quyền lực. Ðó là bộ Hình thư (thời Lý), Hình luật (thời Trần), bộ Luật Hồng Ðức (thời Hậu Lê)... Cơ quan kiểm soát quyền lực có Ngự sử đài, Ðô sát viện có chức năng, nhiệm vụ can gián vua; giám sát công việc các quan trong triều và các địa phương; xem xét việc xử các vụ án; giám sát việc lựa chọn, bổ nhiệm quan lại. Ðó là việc kiểm soát rất có ý nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Ðảng Cộng sản là Ðảng chính trị cầm quyền; Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi quyền bính thuộc về nhân dân. Nhưng ngay trong những ngày tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng đã có những cán bộ lạm quyền, lộng quyền, bị nhân dân oán thán. Ngày 17-10-1945, trên báo Cứu quốc, số 69, đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Người nêu rõ, trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung". Ðó là bài học đầu tiên vô cùng sâu sắc về nhận thức, thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có vấn đề xây dựng cán bộ cấp chiến lược. (ảnh nguồn infonet) |
Công cuộc đổi mới đặt ra rất nhiều nhiệm vụ nặng nề về kinh tế, chính trị, hành chính, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Những nhiệm vụ đó đòi hỏi Ðảng phải không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng. Nhà nước phải hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực mới có thể hoàn thành trách nhiệm và quyền hạn được giao. Thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực một cách đúng đắn, không chỉ phòng ngừa tiêu cực, lộng quyền, lạm quyền của cán bộ có chức, có quyền, mà còn bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý vận hành có hiệu lực, hiệu quả.
Ðất nước đang trong thời kỳ xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, "một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển". Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng thẳng thắn chỉ rõ những biểu hiện "lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực… Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi". Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (5-2018) nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đồng thời chú trọng kiểm soát quyền lực.
Thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực có quan hệ mật thiết với nhau và phải được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ.
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên nắm các chức vụ, quyền hạn từ Trung ương đến cơ sở, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác thực hiện tốt nhất quyền và trách nhiệm được giao và tự kiểm soát chức trách, nhiệm vụ của chính mình. Không sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền. Nói không với quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những cám dỗ vật chất. Ra sức tự tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thường xuyên tự phê bình và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, không để khuyết điểm nhỏ phát triển thành khuyết điểm lớn. Cảnh giác với những thói hư, tật xấu, lười biếng, tham lam, gian giảo.
Siết chặt kỷ luật Ðảng và pháp luật Nhà nước, bảo đảm cho quyền lực được thực hiện đúng đắn, có hiệu lực, lành mạnh và việc kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn đòi hỏi giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới, mọi người đều phải thượng tôn pháp luật. Trong điều kiện Ðảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền, điều đó càng cấp thiết. Ðảng đã ban hành Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định về quản lý cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Việc xử lý nghiêm vụ án Trần Dụ Châu (1950) có ý nghĩa cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục sâu sắc. Gần đây, việc xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ cao cấp sai phạm cũng đang có ảnh hưởng tương tự. Phần lớn các sai phạm đều do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến giữa năm 2018, đã xử lý hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tiêu cực và kiểm soát quyền lực có hiệu quả, nhất thiết phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm tra của Ðảng, thanh tra của Nhà nước. Ðó là những cơ quan, tổ chức giúp Ðảng, Nhà nước giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, pháp luật và kiểm soát quyền lực. Nếu có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm, các tổ chức, cơ quan đó thật sự vào cuộc thì không có khó khăn, phức tạp nào không được tháo gỡ, không có khuất tất nào không được xem xét, xử lý. Từ các vụ án lớn về tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi vừa qua, cho thấy vai trò rất quan trọng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Hiện nay, ủy ban kiểm tra ở một số địa phương đã có những chuyển động có trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, trách nhiệm của các ngành nội chính, kiểm sát và tòa án. Sự phát hiện, phản ánh của nhân dân, của các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng. Những người làm công tác kiểm tra, thanh tra, bảo vệ và thực thi pháp luật phải là những người mẫu mực về đạo đức, trung thực, khách quan, có bản lĩnh và trách nhiệm cao trước Ðảng, Nhà nước, nhân dân và đất nước.
Kiểm soát quyền lực không có nghĩa là chỉ chú trọng tìm cái sai phạm của cán bộ để xử lý mà quan trọng là để cán bộ tránh được khuyết điểm, thực thi tốt quyền và trách nhiệm được giao, đề cao sự sáng tạo. Ðó chính là phép khảo thí để đánh giá, sàng lọc, chọn được những cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài. Hội nghị Trung ương 7, khóa XII yêu cầu phải "Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".
Kiểm soát quyền lực, không thể không chú trọng quản lý, kiểm soát ngân sách, tiền vốn, của cải của Nhà nước, tài nguyên của đất nước. Những vụ án lợi dụng chức, quyền, trách nhiệm quản lý để tham nhũng, chiếm đoạt tiền của, đất đai, phần lớn đều xảy ra ở một số ngân hàng, tập đoàn kinh tế, cho thấy những nơi cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn, phải được chú trọng kiểm soát. Ðồng tiền có thể thao túng quyền lực, làm tha hóa con người. "Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!" (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Ðất nước đang còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách chưa bền vững, vẫn bội chi, sử dụng ngân sách kém hiệu quả. Trong 63 tỉnh, thành phố mới có 14 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương. Việc xây trụ sở, làm cổng chào, quảng trường, chi tiêu hoang phí từ ngân sách vẫn diễn ra ở một số ngành, địa phương. Còn nhiều dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công kém hiệu quả. Chính phủ đã thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tháng 11-2018, Thủ tướng đã chỉ thị siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý vốn đầu tư công và sử dụng ngân sách nhà nước.
Còn rất nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp trong nhận thức và hành động khi thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực. Với sự nhận thức thấu đáo, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và sự gương mẫu của cấp ủy các cấp, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ nắm giữ chức, quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, nhất định việc thực hiện quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ ít sai phạm hơn và việc kiểm soát quyền lực sẽ thật sự có hiệu quả.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
(Theo Báo Nhân Dân)