Thời sự - Bình luận

Văn hóa từ lòng nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Buổi sáng của ngày khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc (24.11), tôi nhận được tin nhắn của chị Đỗ Thị Phương, đại diện của một hội thiện nguyện ở phía bắc.

Tin nhắn kèm một bản chụp ủy nhiệm chi 30 triệu đồng gửi đến tài khoản chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên. Kèm với lời nhắn gửi: “Hội thiện nguyện xã Tam Hiệp, H.Phúc Thọ, TP.Hà Nội. Chúng tôi xin cảm ơn nhiều ạ!”. Không chỉ gửi đến chương trình của Thanh Niên, cả hội của chị đã gom góp được 50 triệu đồng. Số tiền 20 triệu còn lại, các anh chị đã quyết định gửi đến hỗ trợ các bệnh nhân F0 đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM.

Chưa nói đến số tiền và chưa bàn đến nghĩa cử của các anh chị ở Hội thiện nguyện Tam Hiệp, vì đã quá rõ. Nhưng, với một người luôn nhận được những sự ủng hộ chương trình của báo từ bạn đọc, qua chiếc điện thoại nhỏ bé, tôi cảm nhận được cách của rất nhiều bạn đọc gần xa, lúc cho đi với một tình cảm vô cùng yêu thương, trân trọng đối với người nhận. Qua những cuộc gọi, những tin nhắn ấy, tôi cảm nhận dường như, hành xử ấy toát ra từ máu thịt, từ một dòng chảy nhân ái là trầm tích đúc kết lại từ hàng ngàn năm của một dân tộc đã phải chịu nhiều gian lao, đau thương khó nhọc.

Mỗi ngày, khi đại dịch Covid-19 bùng phát hoành hành, trong muôn vàn khó khăn, đau thương mất mát, với tinh thần nghĩ đến đồng bào mình, những tâm hồn vẫn thấm đẫm cội nguồn văn hóa của người Việt, hầu như ai ai cũng nghĩ đến những câu chuyện quanh mình. Người ở vùng xanh nghĩ đến vùng cam, vùng đỏ; người ở lại thị thành nghĩ đến những người buộc phải bươn chải về quê; kiều bào ở nước ngoài nghĩ về đồng bào mình trong nước đang đối phó với dịch giã; người có nhà ở dọc đường đi nghĩ đến bao phận người trên dặm đường thiên lý chống chọi với sương gió giá rét, chông gai vạ vật…

Không dám quả quyết, nhưng với phạm vi suy nghĩ nhỏ bé của mình, tôi vẫn nghĩ rằng bao giờ cũng vậy, trong khó khăn hoạn nạn, người Việt luôn nghĩ về nhau bằng một tình thân ái đùm bọc. Đó chẳng phải là gốc rễ của văn hóa hay sao?

Có lắm lúc ngồi trong tâm dịch, nhận được chút rau xanh hay túi gạo từ người quen bạn bè, không chỉ tôi mà nhiều người đã rưng rưng. Có lúc, nhường nhau một nải chuối, bó sả, củ gừng hay viên thuốc, đã thành một điều trân quý khôn cùng sau những cổng nhà đóng im ỉm suốt hàng tháng trời. Giá trị tinh thần ấy, lớn lao hơn rất nhiều những vật chất ấy mang lại, mà trong mỗi con người tự thân khi cho và nhận đều đã hướng đến một vấn đề cốt lõi của văn hóa, bởi nó xuất phát từ trái tim.

Suốt bao năm qua, đôi khi ta đã quên đi những giá trị ấy giữa những bon chen thường nhật. Cuộc sống vốn là một dòng chảy cuồn cuộn, biết bao giá trị của cách hành xử văn hóa đã bị phủ lấp hoặc biến thành như một thứ xa xỉ. Việc du nhập những điều không mấy hay ho cũng khiến cho nhiều giá trị tinh thần bị phai mờ. Nhưng bằng cách này hay cách khác, văn hóa cốt lõi là chữ “nhân” trong quan niệm rất sáng suốt của người xưa (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) vẫn vững chãi tồn tại, bất chấp nhịp điệu đời sống ngày càng dồn dập hơn và đôi khi, có lúc những giá trị văn hóa ấy bị lãng quên nơi này, nơi nọ.

Lòng nhân ái vẫn trường tồn, tươi cành xanh ngọn qua mỗi biến động của thời cuộc. Chẳng phải đó là điều cần níu giữ hay sao?

Theo TRẦN THANH BÌNH (TNO)

Có thể bạn quan tâm