Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn học Gia Lai: Những mạch ngầm chảy mãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm giới thiệu đến bạn đọc những nét khái quát về quá trình hình thành, phát triển của văn học Gia Lai (VHGL) và tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm VHGL qua các thời kỳ, Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai vừa xuất bản tập sách Văn học Gia Lai (1945-2010).

Đây là công trình nghiên cứu các tác phẩm văn học viết về Gia Lai và tác phẩm của các tác giả đã và đang sống ở đây, được công bố trên sách, báo, tạp chí từ thời kỳ chống thực dân Pháp đến tháng 12-2010, bao gồm các thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, ký, ghi chép, lý luận phê bình…

 

 

Dày hơn 420 trang, với 5 chương riêng biệt, tập sách đem đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng thể, khái quát về diện mạo VHGL qua các thời kỳ trong một dòng chảy liên tục, nêu bật nét tương đồng và sự khác biệt của VHGL với văn học cả nước. Nếu trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, VHGL thực sự là vũ khí đấu tranh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, thể hiện khát vọng thống nhất đất nước, sự đấu tranh anh dũng, kiên cường của các dân tộc để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc với những tên tuổi như Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh… thì trong thời kỳ đất nước hoàn toàn đổi mới (1986-2010), VHGL có thêm điều kiện để phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nghệ thuật với môi trường sáng tác tự do, rộng mở và nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền địa phương.

Thời kỳ này, số lượng tác phẩm tăng nhanh, trong đó có nhiều tác phẩm mang tính chuyên nghiệp, đi vào lòng người, góp phần làm cho VHGL có bản sắc riêng và ngày càng khẳng định vị trí của mình trên văn đàn cả nước… Để giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn diện hơn, tập sách còn có phần phụ lục về một số mảng trong VHGL như: VHGL vùng đô thị bị tạm chiếm, mảng bài viết về một số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu ở Gia Lai trong mỗi thời kỳ. Đây là phần giúp cho độc giả có thêm những kiến thức về xu hướng hình thành và phát triển VHGL qua những biến động lịch sử, xã hội và có thêm những thông tin về các tác giả đang sống và gắn bó với mảnh đất Gia Lai.     

Chủ biên tập sách, nhà văn Thu Loan cho biết: Để độc giả dễ nắm bắt các đặc điểm khái quát và lượng thông tin, trong mỗi thời kỳ văn học, chúng tôi đều giới thiệu những yếu tố chính trị, xã hội cơ bản có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển văn học. Trong phần nghiên cứu tình hình văn học, chúng tôi tìm hiểu các yếu tố tác động đến văn học bao gồm quy mô tổ chức, phương tiện chuyển tải, lực lượng sáng tác và độc giả.

Phần tác phẩm, chúng tôi sắp xếp, hệ thống, khái quát các nội dung tiêu biểu kết hợp với phân tích nghệ thuật của từng thể loại nhằm làm rõ đặc điểm, giá trị của VHGL qua mỗi thời kỳ, đồng thời có phần nhận xét, khái quát làm rõ thêm diện mạo của văn học thời kỳ ấy. Hy vọng, cuốn sách sẽ cung cấp thêm thông tin, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và hiểu biết về VHGL cho công chúng yêu nghệ thuật.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm