Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Văn học nghệ thuật: Cần sự đầu tư để bứt phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã có 31 năm hình thành và phát triển, qua đó góp phần chung sức hoàn thành sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ trong sự nghiệp “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật tỉnh nhà vẫn cần những sự hỗ trợ thiết thực để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Điều đầu tiên cá nhân tôi muốn đề xuất, đó là trong mỗi nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh nên dành một khoản kinh phí mua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây không chỉ là thành quả của cá nhân sáng tạo mà còn là giá trị tinh thần của một vùng đất. Vì vậy, việc mua tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị sẽ thể hiện sự trân trọng, giữ gìn và trên hết góp phần quảng bá cho tỉnh nhà. Trong 30 năm qua, một số chuyên ngành văn học nghệ thuật ở tỉnh ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cụ thể là mỹ thuật, nhiếp ảnh đã có nhiều tác phẩm đạt giải trong và ngoài nước. Tỉnh ta nên mua những tác phẩm ấy, lưu giữ tại bảo tàng để làm thành chuyên đề: “Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Gia Lai” và trưng bày trong những sự kiện quan trọng của tỉnh hoặc trong quá trình giao lưu với các tỉnh khác. 
 Triển lãm mỹ thuật là một trong những hoạt động được Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức nhằm phát huy sự sáng tạo của hội viên. Ảnh: Đ.T
Triển lãm mỹ thuật là một trong những hoạt động được Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức nhằm phát huy sự sáng tạo của hội viên. Ảnh: Đ.T
Ngoài ra, đối với một số tác phẩm văn học đã đạt giải cao của các hội chuyên ngành Trung ương và Giải Văn học Nghệ thuật tỉnh, lãnh đạo tỉnh cũng nên có chủ trương mua làm quà biếu, tặng trong một số hội nghị, đại hội quan trọng ở các cấp. Một nhiệm kỳ 5 năm chỉ dành ra vài trăm triệu đồng cho việc này là điều không khó, ý nghĩa mang lại cũng rất lớn. Đồng thời, trong tình hình các văn nghệ sĩ  trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đều không sống bằng việc sáng tác thì đây cũng là sự động viên phần nào về vật chất và tinh thần. 
Bên cạnh đó, tỉnh nên có chủ trương đặt hàng các tác phẩm văn học viết về Gia Lai. Gia Lai là vùng đất đã trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, để lại nhiều di tích lịch sử, nhiều chiến công oanh liệt, nhiều tấm gương anh hùng. Gia Lai cũng là vùng đất từ năm 1975 đến nay đã nỗ lực xây dựng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tuy vậy, những tác phẩm văn học có chiều sâu, cụ thể là thể loại hồi ký, truyện vừa, tiểu thuyết về vùng đất này hầu như không có vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Do đó, để có được những tác phẩm chất lượng, có chiều sâu thì nên thông qua cơ chế đặt hàng.
Có 2 hình thức đặt hàng. Một là giao kinh phí để khuyến khích các tác phẩm phản ánh về những đề tài như chiến tranh cách mạng, dân tộc và miền núi, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai là bằng hình thức “chọn mặt gửi vàng”: khoán cho 1 tác giả có khả năng, phong cách phù hợp để viết về sự kiện, vấn đề nào đó. Dĩ nhiên không phải tác phẩm đặt hàng nào cũng hay, nhưng ít nhất khi được Nhà nước đặt hàng, người viết sẽ có động cơ để chấp nhận lao tâm khổ tứ. Có như thế thì may ra sau này chúng ta mới có những tác phẩm để đời. Hiện nay, Nhà nước có thể đầu tư hàng trăm triệu đồng cho một công trình nghiên cứu khoa học xã hội; vậy thì một cuốn hồi ký, một truyện vừa, một tiểu thuyết dày mấy trăm trang cũng xứng đáng được đầu tư chừng ấy kinh phí. Đó là việc rất nên làm. Nếu chúng ta không tiến hành ngay thì chỉ cần vài năm nữa, dù có tiền cũng không làm nổi. Bởi lúc ấy các nhân chứng lịch sử cũng đã già và qua đời; một số tác giả có chuyên môn sâu e cũng không còn đủ sức để đầu tư vào những tác phẩm dài hơi.
 Nhà văn THU LOAN

Có thể bạn quan tâm