(GLO)- Với tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân trên 6 ngàn ha, huyện Đak Pơ được xem là một trong những nơi có diện tích cây thực phẩm lớn nhất tỉnh. Do đầu ra không ổn định, diện tích gieo trồng phân tán, đặc tính sản xuất theo kiểu tự phát, thiếu sự tập trung thâm canh nên có những mùa vụ người nông dân có thu nhập ổn định nhờ vận may và cũng có không ít những mùa vụ người dân lại rơi vào tình trạng lao đao.
Ruộng dưa hấu của gia đình bà Lê Thị Kim Thanh (ở thôn 5, xã Hà Tam) có diện tích 6 sào. Những năm trước, bà sử dụng để trồng mì và một phần để trồng ớt, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên chục triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Mức thu nhập trên ít nhiều cũng đủ bù đắp chi phí cho 3 đứa con đang trong tuổi ăn tuổi học tại các trường. Năm nay, thấy có nhiều người từ nơi khác đến địa bàn thuê đất để trồng dưa hấu, gia đình bà đã mạnh dạn vay mượn thêm đầu tư trồng dưa hấu trên toàn bộ diện tích này. Do được đầu tư đúng mức, đảm bảo kỹ thuật, giống dưa An Tiêm quả tròn và to, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng trên 30 tấn. Đầu vụ, thương lái giành nhau đặt cọc 5 triệu đồng để mua toàn bộ số dưa theo giá thị trường. Bà đã đồng ý nhận cọc.
Ảnh: Gia Cư |
Bà Thanh cho biết: Bây giờ, gần cuối vụ rồi nhưng thương lái bỏ cọc luôn. Như vậy, gia đình tôi lỗ khoảng 40 triệu đồng. Cũng không khác gì nhà bà Thanh, gia đình anh Nguyễn Văn Tài (ở thôn 6, xã Hà Tam) cũng rơi vào cảnh tương tự. Thương lái bỏ cuộc, gia đình không có phương tiện vận chuyển, không ai mua, âm thầm chấp nhận bán đổ, bán tháo mà thôi. Mắt ngấn lệ, bên đống dưa vừa mới thu hoạch xong đổ trước nhà ven quốc lộ 19, mỗi quả nặng không dưới 5 kg, bây giờ anh chỉ nhìn ra đường cầu mong cho khách vãng lai ghé vào mua hòng vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Mặc dù vẫn biết hiện có hàng ngàn xe dưa hấu ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đang rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì không bán được nhưng “của đau, con xót”, tại thôn 5, một số hộ dân vẫn không chịu bỏ cuộc. Ngày qua ngày, họ vẫn chăm bón nâng niu từng quả dưa mong sớm có ngày thu hoạch để bù lại số tiền đã trót đầu tư, chăm sóc. Không chỉ với dưa hấu, tại các xã Tân An, Phú An, Cửu An, nghề trồng rau của bà con được duy trì và phát triển từ nhiều năm nay để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhiều hộ dân ở đây bảo rằng: “Có vụ rau thì tạm được, có vụ thì bán đổ bán tháo cũng không xong, thu hoạch thì lỗ tiền công, cho trâu, bò, gia súc, gia cầm ăn cũng không hết đành bỏ cày làm phân xanh cho vụ sau.
Ông Đoàn Mạnh Duy-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết: Hầu hết người dân cứ thấy giá cả tăng là lao vào đầu tư mở rộng diện tích cho bằng được.
Hợp tác xã Tân An (huyện Đak Pơ) là một trong số ít hợp tác xã còn tồn tại trên địa bàn với chức năng chính là thu thủy lợi phí, đảm bảo nước tưới cho bà con, cung ứng vật tư nông nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi đề cập đến vấn đề bao tiêu sản phẩm cho nông dân, ông Đào Văn Sâm-Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã cho rằng: Phải có nguồn vốn rất lớn để đầu tư công nghệ dây chuyền bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Kế đó phải có sự hỗ trợ của Nhà nước mới làm được.
Nhiều năm qua, Đak Pơ vẫn chưa giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm. Vụ Đông Xuân này, ngoài diện tích rau củ quả hiện có, diện tích dưa hấu tăng đột biến hơn 300 ha, gấp đôi so với năm ngoái. Với tình hình giá cả thị trường như hiện nay thì đây được xem là bài học đắt giá cho tập quán canh tác theo kiểu tự phát, thiếu tập trung, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết 4 nhà theo Quyết định 80 của Chính phủ. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn lặp đi lặp lại lâu nay.
Gia Cư