Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vạn thọ đã nở kìa!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cúc vạn thọ giờ nở không kể mùa. Bánh chưng, bánh tét giờ có quanh năm. Nhưng hồi ấy, chừng độ tháng 10, mẹ bắt đầu nhớ tới bó bông vạn thọ đã khô quắt, ám đầy khói bếp, giắt trên mái tranh. Một vạt đất trước sân được lật lên, cuốc, phơi, đập, bóp cho tơi mịn. Rồi đánh thành vài luống thật vuông vắn.
Rồi gieo hạt. Ngày ngày tưới nước. Và chờ.
Cái gió hanh heo đổ về ngày một đậm. Làng tôi, gia đình nào cũng gieo cúc vạn thọ. Thọ đơn, thọ kép, thọ vàng đậm, thọ vàng nhạt, thi thoảng có thêm thọ tía... Không hiểu sao, chỉ toàn loài hoa này. Tết ngày càng tới gần khi cả nhà trông vào đám cúc vạn thọ lớn từng ngày.
Đầu tiên là những cái mầm trắng tinh nứt ra. Rồi chồi xanh vươn lên. Những cây to đẹp nhất sẽ được đánh ra trồng riêng ở một luống đất khác, nơi đẹp nhất, nổi bật nhất trước sân nhà. Ngày ngày tưới nước. Và chờ. Đã nghe hơi lạnh trong gió, sương buông mờ mỗi sớm mai. Chờ cây nhú những nụ hoa đầu tiên.
Người có kinh nghiệm thì chỉ cần tới đó là đã phân biệt được cây nào bông cánh đơn, cây nào bông cánh kép. Cây hoa cánh đơn thưa cành, thăng dáng như một cậu trai lộc ngộc, vụng về. Bông cánh kép sẽ nở trên những cây cành dài mềm mại, tán xòe tròn trịa. Khi chiếc nụ đầu tiên hiện ra, ta dễ dàng phân biệt được hoa nếu quan sát từng chiếc nụ gầy hay mọng.
Thời gian lúc này được tính bằng độ lớn của luống cúc vạn thọ trước sân. Đếm ngày trôi bằng màu những chiếc lá trên cành mai ngả từ tươi sang xanh xám, dần ngả vàng, chuyển đỏ. Người lớn thường nói với nhau, ngày cuối năm trôi thật nhanh. Trẻ con thì nóng ruột vì qua mỗi sớm mai, thấy vạt hoa dường như không chịu lớn thêm, nụ mai không chịu phồng lên.
Cánh đồng hoa vạn thọ. Ảnh: K.N.B
Cánh đồng hoa vạn thọ. Ảnh: K.N.B
Một ngày, nghe tiếng gọi ời ời của bà nội, nhắc sắp nhỏ lặt lá mai là thấy Tết tới nơi rồi. Sau đó thì xăng xái cùng nhau vít cành rồi khẽ khàng ngắt từng chiếc lá. Khi bông vạn thọ đầu tiên căng nụ, phô ra chút màu vàng ấm sực trong buổi sớm gió rít là cuống quýt vui mừng.
Tết thật rồi! Cái mùi thơm không hề dịu dàng ngọt ngào tỏa ra từ hoa từ lá, lại có tác dụng kích thích kỳ lạ. Gắt gao như nắng, mộc mạc như đất đai, ấm như hơi khói bếp ngày mưa và phảng phất mùi nồng nồng khi gió lùa qua mái tranh. Một mùi hương giản đơn, thôn dã. Mùi của ký ức.
Ở quê tôi, nhà ai cũng chưng bông vạn thọ ngày Tết. Cây dày bông nhất, bông to nhất, màu đẹp nhất, tròn trịa nhất sẽ được nâng niu bứng vào chậu, đặt nơi hiên nhà để chưng mấy ngày Tết. Chỉ có thể giải thích rằng, thứ hoa ấy dễ mọc dễ trồng, đất cằn đất sỏi vẫn tìm cách sống được mà nở hoa; thứ hoa ấy nở bền bỉ từ ngày nọ sang ngày kia, từ tuần nọ sang tuần kia; thứ hoa ấy cứ hớn hở mà tươi, càng nắng càng gió thì màu càng rực. Như người miền Trung. Như đất miền Trung. Như nắng miền Trung...
Ngày 30 Tết, người trong nhà, người hàng xóm qua lại ngắm nghía chậu bông vạn thọ trước hiên, vạt bông vạn thọ trước nhà. Nhà nào cũng chỉ thế thôi. Mà ngắm, mà bình, mà nâng niu, mà gìn giữ. Sáng mùng 1 Tết, xem chậu bông vạn thọ còn tươi tắn không.
Cúc vạn thọ giờ nở không kể mùa và không mấy gia đình đặt nơi hiên nhà chưng Tết. Nhưng với tôi, mùi hoa-mùi ký ức ấy cứ gợi về những sớm mai ướt sương, có đứa trẻ hồi hộp đợi một cánh vàng hé mở gọi Tết về.
LÊ BÍCH PHƯỢNG

Có thể bạn quan tâm