Vẫn tình trạng thừa-thiếu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của nền kinh tế. Những năm qua, tỉnh ta rất chú trọng đào tạo đội ngũ lao động. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu người làm, trong khi lao động đào tạo ra vẫn không thể tìm được việc làm phù hợp.

Kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, Gia Lai xếp thứ hạng 47/63 với số điểm 56,83, tăng 0,67 điểm và tăng 1 bậc trên bảng tổng sắp so với năm 2014. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động năm 2015 đạt 5,1 điểm, giảm 0,22 điểm và giảm 8 bậc so với năm 2014. Trong 11 chỉ tiêu cụ thể của chỉ số đào tạo lao động, có đến 5 chỉ tiêu giảm mạnh là doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, mức độ hài lòng với lao động, tỷ lệ người lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề/số lao động chưa qua đào tạo và tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn trên tổng lực lượng lao động. Với kết quả này, về chỉ số đđào tạo lao động, tỉnh ta bị xếp dưới mức trung bình của cả nước.

 

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp gỗ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Trên thực tế, tỉnh ta luôn chú trọng đào tạo lực lượng lao động. Từ năm 2011 đến 2015, đã có gần 70.000 lao động (người dân tộc thiểu số chiếm 49%) được đào tạo, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên 32.100 người. Trong số lao động được đào tạo này, trình độ cao đẳng nghề khoảng gần 1.000 người, trung cấp nghề gần 3.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng có 64.800 người. Số lượng có thể nhiều so với nhu cầu thực trên địa bàn, nhưng như nhận định của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Thiếu thì vẫn thiếu, mà thừa thì vẫn thừa. Bởi, cơ sở đào tạo chưa nắm được nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp nên việc đào tạo theo địa chỉ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp lại rất mỏng, trong khi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện tại và tương lai, vẫn chủ yếu hoạt động trong 2 lĩnh vực này”.

Tỉnh ta có lực lượng lao động dồi dào và trẻ. Song do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp nên tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn ít và phần lớn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Riêng lĩnh vực du lịch-lĩnh vực được xác định là hướng đi mũi nhọn sắp tới của tỉnh, lực lượng lao động cần có lại càng chưa được chú trọng đúng mức. “Phát triển du lịch thì cần có đội ngũ hướng dẫn viên lành nghề, am tường lịch sử, và nhất là tiếng Anh phải giỏi. Hầu như chưa có động thái gì về lực lượng lao động để chuẩn bị cho hướng đi này”-ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist)-nhận định.

Mới đây, cuối tháng 5, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình hành động nâng cao chỉ số đào tạo lao động năm 2016-2017, mục tiêu tập trung nâng chỉ số đào tạo lao động đạt trên 5,32 điểm, phấn đấu tiến tới điểm trung vị của cả nước là 5,76 điểm. Đầu tiên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền, chú trọng phân luồng học sinh sau THCS và hướng nghiệp trong các trường phổ thông. Ngoài thực hiện đầy đủ, hiệu quả cơ chế, chính sách về đào tạo và dịch vụ việc làm thì việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở đào tạo cũng cần được chú ý.”Các cơ sở đào tạo chủ động phối hợp với các doanh nghiệp nắm rõ nhu cầu đào tạo để hàng năm có chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ phù hợp. Cập nhật chương trình sát thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể liên kết với các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó là phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp trong công tác này”-ông Hoàng Vĩnh Hưng-Chủ doanh nghiệp Cơ khí Vĩnh Hưng (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) nêu quan điểm.

Như vậy đầu tư mạnh cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tỉnh mới vượt khỏi ngưỡng địa phương có thu nhập trung bình. Nhiệm vụ quan trọng là gắn kết thị trường lao động với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hướng đi này không chỉ giúp tăng tỷ lệ kết nối thành công trong tuyển dụng mà còn giúp đào tạo nghề gắn chặt với nhu cầu thực tế.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm