(GLO)- Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân được tự do nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để đầu tư, phát triển các loại hình quảng cáo, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động quảng cáo, Luật Quảng cáo được Quốc hội chính thức thông qua cuối tháng 6-2012 và bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Tưởng rằng với các điều luật mới, vấn đề quảng cáo ở TP. Pleiku vốn thường được đánh giá là lộn xộn, bát nháo sẽ dần quy củ, bảo đảm mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, sau 1 tháng thực hiện luật này, trên địa bàn TP. Pleiku thực tế lại không như vậy.
Ảnh minh họa |
Chiều thứ sáu, ngày 25-1, thấy bạt ngàn những tấm quảng cáo thương mại khổ rộng, đủ màu sắc chăng khắp các ngả đường Pleiku, là những người có “duyên nợ” với công việc này, tôi bấm máy gọi cho ông Nguyễn Quang Tuệ- Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) nêu câu hỏi: “Theo chúng tôi được biết, tại Điều 8, khoản 16, Luật Quảng cáo đã nghiêm cấm hành vi “treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng”, vậy tại sao trên các đường phố của Pleiku vẫn còn tình trạng này”?
Tất cả các cá nhân, đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo ngoài trời (treo, gắn sản phẩm lên trụ điện, cột đèn tín hiệu, cây xanh…) đã bị bộ phận một cửa của Sở VH-TT&DL thẳng thừng từ chối với lý do Luật Quảng cáo không cho phép. “Đây chắc chắn quảng cáo lậu rồi”- ông Nguyễn Quang Tuệ khẳng định.
Dành thời gian đi dạo quanh các ngả đường của Pleiku, chúng tôi nhận thấy, càng ngày, các tấm bạt quảng cáo lại càng xuất hiện nhiều thêm trên các đường phố chính của Pleiku. Các tấm bạt được treo gắn khắp mọi nơi, thậm chí còn được treo ngay trước cửa trụ sở HĐND tỉnh (đường Trần Hưng Đạo) và nhiều đến mức phản cảm!
Thứ hai, ngày 28-1, chúng tôi đến Phòng Nghiệp vụ Văn hóa mong tìm được câu trả lời thỏa đáng. Vẫn như 3 ngày trước, những người có trách nhiệm tại đây khẳng định không hề tham mưu cho lãnh đạo Sở VH-TT&DL ký bất cứ văn bản nào liên quan đến việc quảng cáo được cho là của Sở Công thương, như trên các tấm phướn đã thể hiện. Theo họ, không chỉ Điều 8, khoản 16 của Luật Quảng cáo đã nghiêm cấm hành vi này (nguyên văn Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng) mà các văn bản của Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL) và UBND tỉnh cũng hoàn toàn không cho phép làm điều này. Là bộ phận có chức năng tham mưu cho Sở VH-TT&DL về việc cấp phép quảng cáo (nay gọi là “thông báo”), Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Sở VH-TT&DL cam đoan không làm việc này.
Không thật hài lòng với những câu trả lời và sự cam đoan này, chúng tôi tiếp tục “đi tìm lời giải” cho câu hỏi: Vậy tại sao hàng trăm tấm quảng cáo khổ lớn lại ngang nhiên tung hoành trên các đường phố chính của Pleiku? Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi phát hiện ra một điều tréo ngoe và kỳ lạ: Chính Sở VH-TT&DL đã “cấp phép” cho đơn vị thực hiện quảng cáo! Điều này, khiến chúng tôi thực sự thắc mắc, vì những lý do sau:
Thứ nhất, Luật Quảng cáo đã nghiêm cấm (Điều 8, khoản 16), Cục Văn hóa Cơ sở và UBND tỉnh cũng đều đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT&DL không được cho phép quảng cáo như đã nêu ở trên nhưng Sở vẫn làm. Vì sao? Thứ hai, 400 tấm quảng cáo khổ lớn, treo khắp nơi trên các trụ điện, cột đèn tín hiệu, cây xanh, gây mất mỹ quan đô thị không phải do Sở Công thương thực hiện mà là sản phẩm của một đơn vị khác ngoài Gia Lai, không có chức năng kinh doanh quảng cáo. Vì sao? Thứ ba, trong khi tất cả các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đã gửi văn bản hoặc trực tiếp đến Sở VH-TT&DL (thông qua bộ phận một cửa) đề nghị cho phép được quảng cáo như trên thì đều bị từ chối còn đơn vị này thì lại được cấp phép?
Chưa có cơ sở để khẳng định việc làm này của Sở là khuất tất nhưng chắc chắn nó đã tạo nên sự không công bằng trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh. Thứ tư, theo quy định của UBND tỉnh, quy trình cấp phép quảng cáo bắt đầu từ bộ phận một cửa (nhận hồ sơ), qua Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (thẩm định, tham mưu) rồi lại trở về bộ phận một cửa (trả hồ sơ) nhưng trong trường hợp này, quy trình bắt buộc đã không được thực hiện.
Vì một môi trường đô thị lành mạnh và cũng là để nguyên tắc bất di bất dịch mọi công dân bình đẳng trước pháp luật được thực thi, không ai khác, chỉ có Sở VH-TT&DL mới trả lời được những thắc mắc trên đây.
Thái Bình