Phóng sự - Ký sự

Vành đai ô nhiễm - Kỳ 1: Ô nhiễm các làng nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời tiết Hà Nội sau những ngày thu đẹp đến nao lòng thì bắt đầu tới quãng thời gian bị coi là ô nhiễm nhất trong năm.

Năm nay không ngoại lệ, bầu trời Hà Nội nhiều khi mang mầu xám chì bởi bụi mịn lơ lửng, hòa với màn khói mờ lẫn vào sương sớm. Gần đây, sau khi thành phố lên đèn, không khí Hà Nội có lúc trở nên quánh đặc tới khó thở. Tìm hiểu thì mới thấy, ngoài những nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động giao thông, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp thì hành vi xả trộm rác, rác thải công nghiệp, đốt trộm rác thải, xả thải công nghiệp, khai thác phế liệu kiếm lời bằng mọi giá… đã biến không gian quanh Thủ đô trở thành một "vành đai ô nhiễm". Vành đai ấy hằng ngày quây quanh Hà Nội, xả ra tất cả những thứ khí, rác thải khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội càng thêm trầm trọng.

Bãi rác sinh hoạt bị đốt trộm gây cháy nhà xưởng ở xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên).

Nhìn trên bản đồ, có thể thấy những làng nghề gây ô nhiễm được nhắc tới thường xuyên thời gian qua đều nằm tập trung ở các địa bàn chung quanh Hà Nội. Ở phía đông, bên kia sông Hồng giáp với Gia Lâm (Hà Nội), làng nghề tái chế chì ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) và làng tái chế rác thải nhựa ở làng Khoai (xã Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) hay ở Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên) dẫn đầu về mức độ gây ô nhiễm. Ô nhiễm giờ đây không chỉ gây nguy hại cho cư dân sở tại, trong một diện tích hạn chế mà nó còn mở rộng mức độ ảnh hưởng ra cả một vùng.

Sống chung với ô nhiễm

Chục năm trở lại đây, đô thị ven đô được lựa chọn để trở thành nơi trú ngụ của nhiều cư dân “bỏ phố về quê” mong tránh xa ồn ào, khói bụi thành phố. Những dự án mới liên tiếp mọc lên bên cạnh các khu đô thị có tên tuổi ở khu vực Hưng Yên. Những Ecopark, Vinhomes Ocean Park, Grand World (Văn Giang)… đang khiến người ta quan tâm bởi vừa gần Thủ đô Hà Nội, vừa được giới thiệu là có không gian trong lành, thoáng đãng mà văn minh, hiện đại.

Ấy vậy, những ngày cuối của tháng 10/2024, một số cư dân Ecopark và Vinhomes Ocean Park 2 (Văn Giang, Hưng Yên) “bỗng dưng muốn khóc” khi thường xuyên và liên tục được “hưởng” những làn khói khét lẹt từ khu vực chung quanh kéo tới len lỏi vào từng ngõ ngách trong nhà. Gia đình chị Nguyễn Thị Châm (30 tuổi, Hà Nội) sở hữu “căn hộ trong mơ” ở Ecopark, như cách chị Châm tự hào, vì chỉ cần bước chân xuống sảnh, qua đường là gặp vườn Nhật, hồ cá koi, là công viên 50 ha với cây xanh và hoa cỏ.

Ở sát công viên đẹp và xanh như thế, nhiều cây xanh, sân chơi, đường dạo, nhưng cửa sổ ban-công nhà chị Châm tối nào cũng phải đóng kín. Hóa ra, ở đây chỉ trong lành, chỉ đáng sống vào ban ngày. Đêm đến, không khí trở nên đặc quánh, khói và mùi khét lẹt theo gió bay về, xộc vào thẳng nhà. Là mùi rác bị đốt, mùi nhựa cháy… không ai phân biệt được mùi gì cụ thể, nhưng cứ khét đặc. Cảm giác đặc quánh, lờm lợm và buồn nôn. Mùi khét xộc vào mũi, khét nhức đầu, khét như thể bị dí mặt vào sát một cái xe tải đang nổ máy. Khét đến ám ảnh. Nhiều khi chị Châm cứ nghĩ hay hướng nhà mình trúng làn khói, nhưng hỏi mọi người chung quanh đều như vậy. Hàng xóm cùng tầng ai cũng kêu là khét và khó thở. Toàn bộ khu vực này đều khét vậy.

Mấy tháng liền, gia đình chị liên tục mũi dãi, “ốm không có điểm nghỉ, cả trẻ con lẫn người lớn”. Từ khi về đây, lúc nào chị Châm cũng trong tình trạng cay mắt, chảy nước mắt. “Khi tìm hiểu ra, mình biết rằng, ô nhiễm không khí, khói bụi là nguyên nhân chính. Vì mắt và mũi là bộ phận nhạy cảm nhất và rất dễ bị tác động khi không khí bị ô nhiễm. Bé con gần 2 tuổi bị viêm phổi, mới nằm viện 7 ngày. Đi viện liên tục, cả lớn lẫn bé. Có lần ra khỏi nhà, con trai lớn hồn nhiên nói “không có khẩu trang làm sao ra được?”, lúc ấy Châm chỉ biết ứa nước mắt.

Kỳ vọng cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng anh Phạm Văn Thảo (35 tuổi, cư dân Ecopark) không giấu nổi sự thất vọng: “Biết thế này mình đã không về”. Những đêm khó ngủ, anh Thảo đi bộ lang thang quanh khu mình sống trong làn khói khét. Nhìn lên cột đèn đường, thấy khói tụ lại dưới ánh đèn vàng thành quầng hình nấm. Lúc đó, anh mới thật sự hoảng sợ. Mùa này gió bấc lồng lộng thổi. Mùi khét cũng cứ theo đó mà bay ám ảnh, quẩn quanh.

Ở khu đô thị, nhiều gia đình sắm 2-3 cái máy lọc không khí và hầu hết bật từ chiều tối để qua đêm. Đã hết mùa hè, hóa đơn tiền điện một gia đình 4 người trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng vì hầu như nhà nào cũng bật điều hòa và máy lọc không khí. Khi chuyển từ Hoàng Mai về nhà mới, ý nghĩ đầu tiên của anh Thảo là thanh lý 3 cái máy lọc không khí. Về được vài hôm, anh lại phải dùng thường xuyên hơn. Những hôm nào quên đóng cửa, tối về khét quá, anh Thảo phải vận hành quy trình: Bật điều hòa, rồi bật máy phun sương cho độ ẩm “bám” mùi khét, sau đó mới bật máy lọc không khí để… thở.

Mỗi khi thấy khét, cũng như rất nhiều gia đình khác, gia đình chị Châm phản ứng rất nhanh. Mỗi người tự động đi đóng ban-công, khép cửa sổ, chồng bật điều hòa, vợ bật lọc không khí. Nhưng máy không thể bật mãi. Lọc gì thì cũng cần không khí lưu thông, cần không khí tươi. Thế nên phải canh khi nào trong nhà đỡ khét thì hé cửa cho không khí vào nhà, rồi lại nhanh chóng đóng lại. Ở đây cảm giác khói khét cứ liên tục đẩy nhói nhói trong ngực, cứ như luôn ngửi thấy khói thuốc lá, thuốc lào. “Từ 12 giờ đêm mới kinh”, khét từ đâu lại xộc về. “Cảm giác cứ như bị chụp nylon, cứ như bị hun khói”. Đến 4 giờ sáng mùi bắt đầu đỡ, tầm 7-8 giờ sáng không khí loãng dần, 9-10 giờ sáng mới hết hẳn.

Đi từ Ecopark, dọc theo đường Tô Quyền, xuyên qua đường cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng) là bắt gặp khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2. Khu đô thị mới được đưa vào hoạt động nên lúc nào cũng sáng đèn. Ngay cạnh khu biệt thự của Vinhomes Ocean Park 2 là bãi rác xã Nghĩa Trụ, luôn trong tình trạng ngập rác và bốc mùi hôi thối. Người ta quây tôn bãi rác, nhưng không quây được mùi bốc lên. Phía bên kia những tấm tôn, khói đen bay lẩn quất theo làn gió. Những đốm lửa thi thoảng bùng lên khi gió thổi mạnh. Chị Triệu Thị Nhã (38 tuổi, cư dân Vinhomes Ocean Park 2) cho biết, bãi rác này thường xuyên bị đốt trộm. Nhiều khi thấy cháy cư dân phải gọi số khẩn cấp báo an ninh tòa nhà mang nước ra dập lửa. Những tối cuối tuần, Ocean Park 2 hay tổ chức bắn pháo hoa để thu hút khách tham dự sự kiện. Nhiều khi từ trên cao nhìn xuống pháo hoa lẫn vào lửa bãi rác cháy, lửa và khói, chẳng biết khói nào là khói nào!

Câu chuyện khói bụi ô nhiễm không chỉ gây bức xúc trong cư dân đô thị. Đem hỏi những người dân sinh sống ở cách đó có… một con đường (bên này là khu đô thị mới, bên kia là địa bàn xã Nghĩa Trụ) thì mới thấy hầu hết cư dân sinh sống ở Nghĩa Trụ, Nghĩa Trai, Tân Quang, Vĩnh Khúc, Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao… (Văn Giang, Văn Lâm, Hưng Yên) đều chung tâm trạng. Cũng phải thôi, bởi khu vực Nghĩa Trụ, Nghĩa Trai, hay Vinhomes Ocean Park 2 đều cùng chung… bầu không khí. Anh Lương Đình Quyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khúc cho biết, mùi khói khét về đêm, như mùi nhựa hoặc xử lý hóa chất gì đó, khét rất đáng sợ. Theo người dân Vĩnh Khúc, khói khét về vùng này do các nhà máy ở Khu công nghiệp Phố Nối A gây ra. Khu dân cư An Lạc (xã Trưng Trắc) cách nhà máy sản xuất kính của KCN Phố Nối A chỉ 200 m, nhìn rõ ống khói đen xì bốc lên mỗi khi doanh nghiệp này xả thải. Không chỉ có khói, doanh nghiệp sản xuất còn phát tán bụi, bụi mịn. Bụi đến nỗi, hầu như ngày nào cũng phải lau bàn ghế, cửa sổ...

Cứ đêm đêm, những cột khói độc phả ra lại không chỉ bay theo trục quốc lộ hay các tuyến đường xe qua, người lại. Khói được khuếch tán đều ra không khí. Vậy là chỗ nào cũng khói, cũng bụi và cũng… khét.

Đêm 14/12, tại thôn Ngọc Đà (xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) xảy ra cháy. 5.000 m2 nhà xưởng và máy móc của một doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa bị thiêu rụi (thời điểm cháy, doanh nghiệp đang bị đình chỉ sản xuất). Đám cháy từ bãi rác của xã nằm ngay cạnh cơ sở sản xuất này lan sang khu vực nhà xưởng. Công ty TNHH Tấn Anh, đơn vị thiệt hại do vụ cháy cho biết, toàn bộ máy móc sản xuất và nguyên liệu mới nhập đều bị thiêu rụi. Thiệt hại khoảng 50-70 tỷ đồng. Anh Nguyễn Việt Hoàng, nhân viên công ty cho biết, bãi rác này thường xuyên bị đốt trộm nên công ty đã phải trang bị một họng nước riêng để dập lửa nhưng cuối cùng vẫn bị cháy rụi. Bãi rác này thường xuyên có nhiều xe ô-tô chở rác thải công nghiệp ra đổ và đốt trộm.

Rác sinh hoạt cháy trong đêm, khói bay ở khu công nghiệp

Một đêm đông giữa tháng 11, chúng tôi theo chân những người đi tìm… khói rác. Không khó để bắt gặp những đám cháy nhỏ ở các bãi rác do cư dân xả thải ven đường. Một vài đám cháy lớn hơn nằm ở khu tập kết rác thải cho cư dân 2 xã (theo tìm hiểu, cứ hai xã ở Văn Giang, Văn Lâm hoặc Mỹ Hào thường chung nhau một cơ sở tập kết rác thải sinh hoạt). Thậm chí, có những đống rác cứ cháy suốt ngày đêm, nó nằm ngay bên quốc lộ 5, đoạn chân cầu vượt Như Quỳnh mé bên Hà Nội. Rác ở đó chủ yếu là túi nylon, bao tải và xà bần… cứ ngun ngút cháy, nhẩn nha nhả khói. Người dân nơi đây cho biết, tấm hộ lan làm bằng sắt của cầu vượt Như Quỳnh cứ vài bữa là lại phải thay, bởi lửa khói nhanh chóng làm chúng bị biến dạng. Cũng chẳng ai buồn dập tắt lửa, vì cứ dập xong thì lại… có người đốt.

Bức xúc vì tình trạng khói bụi, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, cư dân Ecopark đã tập hợp ý kiến, gửi kiến nghị lên UBND huyện Văn Giang. Đã qua mấy tháng nhưng họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Khó ở quá vì khói khét, cư dân Ecopark đã lập nhóm Zalo để tìm nguyên nhân nhằm chủ động báo tới chính quyền. Nhiều người tỏa ra khắp các khu vực chung quanh. Họ đi ra xa hơn, tới mấy khu làng nghề thuộc Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào và Như Quỳnh… 12 giờ đêm 4/12, đứng ở trên đê nhìn xuống bãi rác xã Xuân Quan thấy lửa cháy rừng rực, khói khét mù mịt. Cách đó không xa, bãi rác thôn Lạc Đạo, nằm giữa cánh đồng ranh giới giữa hai thôn Lạc Đạo - Ngô Xuyên (Văn Lâm, Hưng Yên) lửa cháy 24/24 giờ. Không chỉ rác thải sinh hoạt, hàng bao bì chất đầy rác công nghiệp, gỗ vụn, thậm chí cả vỏ ốp điện thoại, vụn nhựa… đều bị đem đốt giữa đồng.

Tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp vào các bãi rác dân sinh, sau đó đốt trộm diễn ra thường xuyên. “Nó phải đốt để không bị phát hiện”, bây giờ ngồi tại trụ sở, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Hoàng Trọng Phận vẫn có thể bật máy điện thoại cầm tay lên để xem tình hình… bãi rác. Xã Tân Tiến và xã Vĩnh Khúc (Văn Giang) có một bãi rác chung, mỗi xã chia đôi khoản tiền 15,7 triệu đồng/tháng để xử lý, thuê người trông để chống lại bọn đổ trộm rác thải. Lại phải gắn camera ở ngay cổng bãi để… rình. “Cứ ô-tô tận đâu chạy qua đổ trộm”. Tháng 11, bãi rác bị cháy, xã phải thuê mấy xe bồn dập lửa. Thuê cả máy xúc tới trộn rác lên để dập tắt triệt để. Nhưng chưa là gì so với tình trạng cháy ở bãi rác làng Khoai (xã Minh Khai, Văn Lâm). Đây là nơi tập kết rác của 470 hộ tái chế nhựa trong làng, ước tính khối lượng khoảng 150.000 tấn. Chưa kể khoảng 50 - 70 tấn rác thải ra mỗi ngày cũng được đổ về đây. Bãi rác này quanh năm khói khét, mưa to cũng không tắt. Mưa nhỏ, lửa tạm thời không bốc lên mà ẩn vào trong tro nóng và nylon nhựa.

1 giờ sáng 20/11, chúng tôi có mặt ở KCN Phố Nối A và chứng kiến họng khói từ một số nhà máy sản xuất đang xả thẳng lên trời. Khói loãng ra nhưng mùi khét đặc quánh bao vây khu vực. Ô nhiễm khói bụi ở đây khủng khiếp đến mức bàn ghế người dân ngày lau hai lần vẫn không hết bụi. Người dân ở đây cho biết, màng lọc của máy điều hòa bình thường phải vài năm mới thay nhưng ở khu vực này một tháng tháo ra đã thấy bụi đen xì. Nửa đêm, đi một vòng quanh làng Khoai, các cơ sở sản xuất vẫn sáng đèn, máy móc vẫn chạy rầm rập, mùi nhựa đốt khét lẹt. Nhằm hướng cột khói bốc cao nhất đang xả thẳng lên trời, chúng tôi có mặt trước cơ sở sản xuất của Công ty TNHH T… Việt Nam (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm). Cột khói đen xì bốc cao rồi tan ra. Thông tin cho biết, cụm công nghiệp Tân Quang đang được một số “ông trùm” ngành rác thải thâu tóm lại để di dời dần cơ sở ra khỏi làng Khoai vì người dân… kêu quá.

Cho tới thời điểm hiện tại, hằng đêm, từng cột khói đen từ các đám cháy vẫn lặng lẽ bốc lên, hun đốt những người dân xứ Đồng Tỉnh, Huê Cầu, bay ngang Vinhomes Ocean Park 2, Ecopark rồi theo gió bấc qua sông để… tiến về Hà Nội.

Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2017, 1 mẫu không khí thu thập tại bãi rác làng Minh Khai có kết quả tổng dioxin/furan vượt 3 lần ngưỡng TCVN 10843:2015 - Tiêu chuẩn quốc gia về Chất lượng không khí - nồng độ dioxin trong không khí chung quanh. Tại làng nghề tái chế nhựa thì hoạt động đốt chất thải sinh hoạt, trong đó có thành phần nhựa, chất thải rắn của cơ sở tái chế phế liệu (đốt chất thải nhựa, lưới lọc của hoạt động tái chế nhựa) là nguyên nhân chính phát sinh dioxin/furan. Ngoài khả năng gây ung thư, nhiễm dioxin cũng được cho là có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, liên quan tới các đột biến gây dị dạng bẩm sinh ở trẻ, giảm khả năng sinh con, các vấn đề về phổi, da…

(Còn nữa)

Theo Bài và ảnh: NHÓM PV THỜI NAY (NDO)

Có thể bạn quan tâm