Một phát hiện thú vị từ các nhà khoa học Đức đã giải mã bí mật của kỷ băng hà cuối cùng và dấy lên hy vọng có thể cứu Trái Đất khỏi sự nóng lên toàn cầu.
Từ các sông băng ở nơi là Argentina bây giờ, một dạng vật chất đặc biệt đã bị gió Tây của 20.000 năm trước thổi đi khắp địa cầu, tạo nên thời kỳ cực đại của kỷ băng hà cuối cùng. Đó chính là một loại bụi cổ đại chứa đầy sắt, theo nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Đại học Oldenburg (Đức).
Sinh vật phù du chính là bộ máy hấp thụ carbon sinh học vĩ đại nhất Trái Đất - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp |
Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng cho những loài thực vật phù du như tảo siêu nhỏ trong đại dương. Chúng có mức hấp thụ CO2 khi quang hợp rất cao, nên đã giúp làm mát toàn cầu trong quãng thời gian bụi sắt khiến "đại gia đình" tảo sinh sôi nảy nở nhanh chóng.
Theo tiến sĩ Torben Struve, nhà địa chất học từ Đại học Oldenburg, cho dù ngày nay sắt vẫn giúp "bón phân" cho các đại dương, nhưng vào thời kỳ đó, băng tan theo mùa đã giúp lượng bụi sắt được giải phóng với số lượng gấp nhiều lần. Điều này được "ghi chép" lại trong 18 lõi trầm tích mà nhóm nghiên cứu lấy lên từ khu vực đáy biển Nam Thái Bình Dương, giữa vùng tam giác Nam Cực – New Zealand –Chile. Kết quả đã được xác nhận khi so sánh dấu hiệu hóa học của loại bụi này trong dữ liệu địa chất của một số lục địa.
Phát hiện này được kỳ vọng có thể giúp con người tự làm mát Trái Đất bằng cách tái hiện lại những gì đã diễn ra 20.000 năm trước, ví dụ như làm cách nào đó "bón phân" các đại dương, để làm đông đúc trở lại những sinh vật phù du đóng vai trò như bộ máy hấp thụ carbon sinh học lớn nhất hành tinh.
Nhưng điều đó vẫn đòi hỏi sự song hành của các biện pháp hạn chế biển đổi khí hậu. Lượng CO2 mà đội quân sinh vật phù du này hút trong kỷ băng hà cuối cùng chưa đến 1/4 lượng CO2 do con người tạo ra trong cùng một quãng thời gian!
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Thu Anh (Theo Science Alert, UBJ/NLĐO)