Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Vẻ đẹp kỳ lạ của mùa đông trên sao Hỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sao Hỏa có vẻ như là một nơi khô cằn, hoang vắng, nhưng hành tinh đỏ này biến thành một xứ sở thần tiên ở thế giới khác vào mùa đông.



Đó là vào cuối mùa đông ở Bắc bán cầu của sao Hỏa, nơi tàu hám hiểm NASA Perseverance và trực thăng Ingenuity đang khám phá một vùng đồng bằng sông cổ từng chảy vào miệng núi lửa Jezero hàng tỉ năm trước.

 Tàu quỹ đạo MRO chụp ảnh các đụn cát trên sao Hỏa phủ đầy băng giá hai ngày sau khi đông chí đến trên sao Hỏa vào tháng 7. Ảnh: NASA
Tàu quỹ đạo MRO chụp ảnh các đụn cát trên sao Hỏa phủ đầy băng giá hai ngày sau khi đông chí đến trên sao Hỏa vào tháng 7. Ảnh: NASA


Bụi là đặc điểm chính của hành tinh đỏ. Bụi thường báo trước sự xuất hiện của mùa đông, nhưng hành tinh này không xa lạ gì với tuyết, băng và sương giá. Tại các cực của sao Hỏa, nhiệt độ có thể xuống thấp tới âm 123 độ C.

Có hai loại tuyết trên sao Hỏa. Một là loại chúng ta trải nghiệm trên Trái đất, tạo thành từ nước đóng băng. Không khí loãng trên sao Hỏa và nhiệt độ dưới 0 độ có nghĩa là tuyết truyền thống thăng hoa, hoặc chuyển trực tiếp từ thể rắn sang thể khí, trước khi chạm đất trên sao Hỏa.

Loại tuyết khác của sao Hỏa là tuyết CO2 (băng khô) và nó có thể rơi trên bề mặt. Một vài centimet tuyết CO2 có xu hướng rơi trên sao Hỏa ở những vùng bằng phẳng gần các cực.


 

Băng khô bên trong miệng núi lửa trong mùa đông ở Nam bán cầu sao Hỏa. Ảnh: NASA
Băng khô bên trong miệng núi lửa trong mùa đông ở Nam bán cầu sao Hỏa. Ảnh: NASA



Sylvain Piqueux - nhà khoa học sao Hỏa tại Phòng thí nghiệm sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California (Mỹ) - cho biết: “Số tuyết rơi đủ lớn để có thể đi giày trượt tuyết băng qua. Tuy nhiên, nếu muốn trượt tuyết, phải đi vào miệng núi lửa hoặc vách đá, nơi tuyết có thể tích tụ trên bề mặt dốc”.

Cho đến nay, không có tàu quỹ đạo hoặc xe tự hành nào có thể nhìn thấy tuyết rơi trên hành tinh đỏ vì hiện tượng thời tiết chỉ xảy ra ở các cực bên dưới lớp mây bao phủ vào ban đêm. Các máy ảnh trên quỹ đạo không thể nhìn xuyên qua các đám mây và không có robot nào có thể sống sót qua nhiệt độ đóng băng ở các cực.

Tuy nhiên, thiết bị Mars Climate Sounder trên tàu quỹ đạo sao Hỏa MRO (Mars Reconnaissance Orbiter) có thể phát hiện ánh sáng mà mắt người không nhìn thấy. Nó đã phát hiện ra tuyết CO2 rơi ở các cực của sao Hỏa. Tàu đổ bộ Phoenix, đến sao Hỏa vào năm 2008, cũng sử dụng một trong những thiết bị laze để phát hiện băng khô từ vị trí cách cực bắc của sao Hỏa khoảng 1.609km.


 

Băng tan tạo ra những hoa văn độc đáo trên cồn cát ở sao Hỏa vào mùa xuân, tháng 7 năm 2021. Ảnh: NASA
Băng tan tạo ra những hoa văn độc đáo trên cồn cát ở sao Hỏa vào mùa xuân, tháng 7 năm 2021. Ảnh: NASA



Nhờ các nhiếp ảnh gia, chúng ta biết những bông tuyết trên Trái đất là duy nhất và có sáu mặt. Dưới kính hiển vi, những bông tuyết trên sao Hỏa có thể trông hơi khác một chút.

Piqueux nói: “Bởi vì băng khô có đối xứng là bốn, chúng tôi biết những bông tuyết băng khô sẽ có hình lập phương. Nhờ Mars Climate Sounder, chúng ta có thể biết những bông tuyết này sẽ nhỏ hơn chiều rộng của một sợi tóc người”.

Băng và sương giá CO2 cũng hình thành trên sao Hỏa và chúng có thể xảy ra ở xa các cực hơn. Tàu vũ trụ Odyssey (đi vào quỹ đạo sao Hỏa năm 2001) đã chứng kiến băng giá hình thành và biến thành khí dưới ánh sáng mặt trời, trong khi tàu đổ bộ Viking phát hiện băng giá trên sao Hỏa vào những năm 1970.

Vào cuối mùa đông, lớp băng tích tụ trong mùa có thể tan và biến thành khí, tạo ra những hình dạng độc đáo khiến các nhà khoa học của NASA liên tưởng đến pho mát Thụy Sĩ, đốm của chó đốm, trứng rán, nhện và những hình thù khác thường.

Trong suốt mùa đông ở miệng núi lửa Jezero, nhiệt độ cao gần đây là khoảng âm 13 độ C, trong khi nhiệt độ thấp nhất là khoảng âm 84 độ C.

Trong khi đó, tại miệng núi lửa Gale ở Nam bán cầu gần đường xích đạo của sao Hỏa, xe tự hành Curiosity - hạ cánh trên sao Hỏa vào năm 2012 - đã trải qua nhiệt độ cao nhất là âm 15 độ C và thấp nhất là âm 76 độ C.


 

Băng đóng băng trong đất để lại các hoa văn đa giác trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA
Băng đóng băng trong đất để lại các hoa văn đa giác trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA



Các mùa trên sao Hỏa có xu hướng kéo dài hơn vì quỹ đạo hình bầu dục của hành tinh quanh mặt trời, có nghĩa là một năm trên sao Hỏa là 687 ngày, bằng gần hai năm trên Trái đất.

Các nhà khoa học của NASA đã tổ chức lễ mừng năm mới trên sao Hỏa vào ngày 26.12, trùng với thời điểm xuất hiện điểm xuân phân ở Bắc bán cầu.

Các nhà khoa học tính số năm của sao Hỏa bắt đầu từ điểm xuân phân phía bắc của hành tinh đỏ vào năm 1955 - một điểm bắt đầu tùy ý. Việc đánh số các năm trên sao Hỏa giúp các nhà khoa học theo dõi các quan sát dài hạn, chẳng hạn như dữ liệu thời tiết do tàu vũ trụ của NASA thu thập trong nhiều thập kỷ.


https://laodong.vn/tu-lieu/ve-dep-ky-la-cua-mua-dong-tren-sao-hoa-1133033.ldo

Theo Song Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm