Thời sự - Bình luận

Vẻ đẹp tự tôn của phụ nữ Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), các hoạt động tôn vinh những tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến lại diễn ra ở khắp nơi trên cả nước. 8 năm trở lại đây, hoạt động lớn nhất trong số này là lễ trao Giải thưởng phụ nữ Việt Nam do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Năm nay, 6 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực đời sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội đã được trao giải thưởng này.
Không chỉ nỗ lực thể hiện sự bình đẳng với nam giới trong mọi mặt đời sống, phụ nữ Việt Nam còn đi đầu trong nhiều phong trào, hoạt động xã hội. (ảnh internet)
Không chỉ nỗ lực thể hiện sự bình đẳng với nam giới trong mọi mặt đời sống, phụ nữ Việt Nam còn đi đầu trong nhiều phong trào, hoạt động xã hội. (ảnh internet)
Trong một đất nước có hơn 90 triệu dân với một nửa là phụ nữ, con số 16 tập thể, cá nhân được vinh danh tại Giải thưởng phụ nữ Việt Nam hẳn nhiên chỉ mang tính đại diện. Điều này được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại lễ trao giải thưởng năm nay khi ông cho rằng, trong cuộc sống còn có rất nhiều tấm gương phụ nữ cao quý xứng đáng được vinh danh. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Trong mọi hoàn cảnh, người phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao những phẩm chất cao quý, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. 
Khi khẳng định người phụ nữ Việt Nam “luôn nêu cao những phẩm chất cao quý”, hẳn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn nói về sự tự tôn của họ. Bởi chỉ khi có sự tự tôn, con người ta mới luôn nỗ lực hướng bản thân đến những điều tốt đẹp, cao quý. Đây có lẽ là một phẩm chất đặc biệt của phụ nữ Việt Nam, những người bằng cách này hay cách khác luôn tự tôn bản thân mà không cần hoặc chờ đợi được người khác tôn vinh mình. 
Nhìn vào lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ở bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào cũng có thể thấy được những người phụ nữ tự tôn như vậy. Họ thể hiện sự tự tôn ấy trong thời bình bằng cách chấp nhận thiệt thòi, hy sinh bản thân, lùi lại phía sau để chăm chút, lo lắng cho chồng con bước ra thi thố với đời. Còn khi đất nước đối mặt với giặc thù, nó biểu hiện bằng tinh thần “cần cù làm lụng”, “trở về nuôi cái cùng con” để làm hậu phương vững chắc cho “người con trai ra trận” như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong bài thơ “Đất nước”. Sự tự tôn ấy cũng có thể biểu hiện bằng tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, trực tiếp cầm vũ khí ra trận chống lại kẻ thù như những tấm gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu thời Bắc thuộc, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Võ Thị Thắng, La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển, Trần Thị Lý… thời chống Pháp, chống Mỹ. 
Hơn 4 thập kỷ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được phát huy. Với sự tự tôn của bản thân, cộng với những chính sách về bình đẳng giới, rất nhiều phụ nữ Việt Nam đã tự tin bước ra xã hội, tham gia vào tất cả những lĩnh vực đời sống, kể cả một số lĩnh vực trước đây chủ yếu dành cho nam giới như chính trị, quân sự, khoa học, thể thao… Và ở lĩnh vực nào, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những tấm gương phụ nữ thành đạt, được xã hội tôn vinh, trân trọng. Động lực nào, sức mạnh nào để những người phụ nữ đó vươn đến thành công nếu không phải là sự tự tôn mãnh liệt, quyết tâm khẳng định giá trị bản thân!
Không chỉ nỗ lực thể hiện sự bình đẳng với nam giới trong mọi mặt đời sống, phụ nữ Việt Nam còn đi đầu trong nhiều phong trào, hoạt động xã hội. Điển hình như thời gian gần đây, khi phong trào “Chống rác thải nhựa” được phát động trên phạm vi cả nước, đối tượng đi đầu hưởng ứng chính là phụ nữ, bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần khi đi chợ hàng ngày. Có lẽ chính phụ nữ chứ không phải nam giới sẽ là những người quyết định sự thành công của phong trào này. Hay như ở nhiều nơi, trong đó có Gia Lai, những mô hình tiết kiệm chi tiêu để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái học hành cũng do phụ nữ khởi xướng và thực hiện rất hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Với rất nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, sự ghi nhận, tôn vinh mà xã hội dành cho người phụ nữ là điều đương nhiên. Nhưng bởi quy mô của các giải thưởng, danh hiệu không đủ để bao quát hết những tấm gương phụ nữ điển hình tiên tiến trong xã hội nên chắc chắn sẽ có nhiều người tốt chưa được tôn vinh. Điều đó nào có hề gì đối với những người phụ nữ xem việc hoàn thiện, nâng cao phẩm chất, năng lực bản thân, cống hiến cho xã hội như là một sự tự tôn.
 LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm