Phóng sự - Ký sự

Về Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trở lại Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) lần thứ 3 vào cuối năm 2015, tôi đặc biệt chú ý đến các hạng mục mới được trùng tu tôn tạo và xây dựng hoàn thiện trên cơ sở quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổng Biên tập Báo Tây Ninh Văn Công Cảnh đưa chúng tôi đến các vị trí mà theo anh người cầm bút cần biết, với sự hỗ trợ đắc lực của nữ hướng dẫn viên trẻ trung, xinh tươi Phạm Thị Sinh, cô gái gốc cố đô Hoa Lư, tốt nghiệp Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh mới qua tuổi đôi mươi vài năm trước, rất có duyên với nghề. Khác với các chuyến đi trước đây, hướng dẫn viên cứ nói theo bài bản đã học thuộc (có lẽ thế), du khách nghe và hiểu đến đâu tùy thuộc vào khách; lần này, theo ý khách, Phạm Thị Sinh chỉ trả lời các câu hỏi về những gì chúng tôi cần biết và hiểu kỹ thêm...

Người Tây Ninh mãi mãi tự hào về vùng đất mình đang sống, tự hào được thay mặt cho nhân dân miền Nam lãnh hội trọng trách xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ địa đặc biệt quan trọng của cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. 2 lần, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vùng đất này là nơi đứng chân của Trung ương Cục miền Nam. Là một trong các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Ninh nằm về phía Bắc, có đường xuyên Á đi qua, nối giữa hai trung tâm kinh tế-văn hóa-chính trị của hai quốc gia liền kề là TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia). Ở xứ sở thiên thời, địa lợi, nhân hòa ấy, có một vùng đất có tên là Rùm Đuôn, chỉ cách biên giới Việt Nam-Campuchia trên dưới 3 km, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên và cũng chỉ cách TP. Tây Ninh trên 60 km; trước đây, nơi đó được chọn đặt căn cứ của Trung ương Cục miền Nam.

 

Đây từng là nơi làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Đ.M.P
Đây từng là nơi làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Đ.M.P

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960), để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam nói chung và cách mạng miền Nam nói riêng, đầu năm 1961, Trung ương quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam và xác định cơ quan này trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng miền Nam, sau này là các tỉnh cực Nam Trung bộ và Nam bộ. Bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Bí thư. Theo chủ trương của Đảng lúc này, việc thành lập Trung ương Cục miền Nam là nhằm thực hiện chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về mọi mặt tại chỗ, đáp ứng yêu cầu chiến tranh. Qua thực tiễn đã chứng minh đường lối trên của Đảng là đúng đắn và sáng suốt.

Bắt đầu từ năm 1962, vùng rừng rậm và nguyên sinh Rùm Đuôn, Tân Biên, giáp ranh với nước bạn Campuchia, được quân và dân Tây Ninh xây dựng trở thành khu căn cứ địa vững chắc của Trung ương Cục miền Nam. Tại đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Cục đã đề ra nhiều chủ trương đúng đắn, cụ thể hóa đường lối của Đảng về cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời trực tiếp lãnh đạo quân và dân miền Nam đoàn kết một lòng, liên tiếp đánh bại các âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, giành thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thống nhất nước nhà. Có điều không thể không nhắc đến sự phát triển và thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam qua các giai đoạn, Mỹ-Ngụy thừa biết rằng đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan đầu não-Trung ương Cục, mà “địa chỉ” của cơ quan này, theo họ “ngửi” được thì không thể đặt ở đâu khác ngoài vùng Đông Nam bộ, nơi hội đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” này. Vì thế, suốt chặng dài cuộc chiến tranh, chính quyền, quân đội Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn ra sức đánh phá, “tìm và diệt”, với mưu đồ xóa sổ căn cứ của Trung ương Cục-cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

 

Nơi đón tiếp khách tham quan và du khách về thăm khu căn cứ. Ảnh: Đ.M.P
Nơi đón tiếp khách tham quan và du khách về thăm khu căn cứ. Ảnh: Đ.M.P

Từ những tháng đầu năm 1963 cho đến những ngày Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Mỹ-Ngụy tổ chức hàng chục lượt thực hiện “Kế hoạch tìm và diệt” cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam- Trung ương Cục. Có những trận càn quét dài ngày, với quy mô hàng chục sư đoàn, trung đoàn bộ binh tinh nhuệ, có phi pháo yểm trợ của nhiều quân-binh chủng tham gia. Trận càn quét “tìm và diệt” vào vùng căn cứ của Trung ương Cục bắt đầu từ ngày 22-2-1967 là một điển hình, với trên 45.000 quân Mỹ-Ngụy tham gia, kéo dài gần 2 tháng, nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Toàn bộ các cơ quan của Trung ương Cục đã kịp di chuyển đến nơi an toàn trên đất bạn Campuchia, đồng thời cuộc hành quân đó (được nhận định là lớn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam do chính quyền Mỹ phát động) đã bị quân và dân Tây Ninh, các đơn vị Quân Giải phóng phản kích và chặn đứng, làm thiệt hại cho địch nặng nề.

Ngày 1-5-1970, một cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ quy mô lớn lại bắt đầu, với mục đích tấn công vào vùng Móc Câu. Chính Tổng thống Mỹ cùng với Kissinger, Bill Rogers, Med Laird (thay Mc Namara), Earle Wheeler, có sự phối hợp với Ellsworth Bunker và Creighto Abram ở Việt Nam, hình thành nên kế hoạch tấn công đầy bí mật đối với chính trường Mỹ và đối phương của họ. Khi công luận Mỹ rộ lên vì cuộc tấn công Mỏ Vẹt vào ngày 29-4-1970, chiều 30-4-1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon lên truyền hình tuyên bố “Tôi muốn tiêu diệt những nơi ẩn giấu ấy. Hãy xây dựng các kế hoạch và tiến lên. Nghiền nát chúng để chúng không bao giờ có thể dùng những nơi ấy để chống lại chúng ta nữa. Không bao giờ”. Phần cuối bài diễn văn, Tổng thống Mỹ không quên hứa hẹn với người dân Mỹ rằng hòa bình đang nằm trong tầm tay chúng ta và thông báo sẽ có cuộc hành quân Việt-Mỹ vào vùng Móc Câu.

Mục tiêu của cuộc hành quân vào Móc Câu là vây bắt hoặc tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam đang đóng tại đây. Để chặn đường rút lui của ta, trước đấy, Mỹ đã nhúng tay vào chính trường Campuchia, trực tiếp làm hậu thuẫn cho cuộc đảo chính, lật đổ Quốc trưởng Norodom Sihanouk khi ông không có mặt trong nước. Cuộc đảo chính là nhằm khóa đường tiếp tế từ cảng Sihanoukville vào miền Nam của chúng ta và “không cho Cộng sản Nam Việt Nam ẩn náu dọc biên giới như thời Norodom Sihanouk lãnh đạo đất nước (Campuchia- N.V)”. Tiền đề đó là gọng kìm thứ nhất, gọng kìm thứ hai là cuộc hành quân vây bắt mà Tổng thống Mỹ trực tiếp chỉ đạo như đã nói ở trên. Nhưng cuối cùng chúng lại một lần nữa bị thất bại, toàn bộ cơ quan Trung ương Cục đã từ lâu trước đó rời đi nơi khác. Đơn cử vài trận càn trong hàng chục trận càn quét với quy mô lớn vào vùng căn cứ của Trung ương Cục để thấy rằng sự quyết tâm tiêu diệt căn cứ của cách mạng miền Nam của đối phương đến như thế nào.

...Đưa chúng tôi dọc theo tất cả các lối mòn trong khu di tích, Văn Công Cảnh và Phạm Thị Sinh vừa chỉ dẫn vừa trả lời những câu hỏi của chúng tôi về những sự việc liên quan đến Trung ương Cục, nếu gặp những vấn đề khó, thì mọi người hướng dẫn chúng tôi tìm những... cuốn sách đã xuất bản liên quan đến cụm Di tích Lịch sử-Văn hóa của Trung ương Cục miền Nam. Đành vậy, nhưng về sau có trong tay những tài liệu lịch sử, chúng tôi không khỏi bất ngờ về độ chính xác của các sự kiện mà anh Cảnh và cô Sinh đã nói đến. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990, từ đó đã được khảo sát và quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư, trùng tu, tôn tạo. Qua hai lần tiếp sau (1994 và 2005) cụm di tích lại được trùng tu, nâng cấp. Diện tích nhà làm việc của lãnh đạo Trung ương Cục qua các giai đoạn, nhà chức năng, nhà công vụ chiếm trên 10 ha trong tổng số 47 ha của khu vực trung tâm, 37 ha còn lại dành xây dựng cảnh quan bên ngoài. Hiện có 10 ha rừng của khu vực chính được bảo vệ và gìn giữ nguyên vẹn trong tổng số gần 1.500 ha rừng nguyên sinh của khu di tích.

Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh giờ đây đã trở thành điểm đến của nhiều thế hệ và cũng như du khách muốn tìm hiểu về lịch sử kháng chiến. Đây đồng thời là nơi giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước cho lớp con cháu hôm nay và mai sau bằng hình thức trực quan sinh động. Muốn hiểu biết thêm nơi ở và làm việc, lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ, thống nhất nước nhà của những người cộng sản ưu tú, những người có trọng trách của Trung ương Cục như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Trần Nam Trung, Phạm Văn Xô, Nguyễn Thị Định... là nhu cầu có thật của không ít du khách tìm về với khu di tích này. Đồng thời đến đây, mọi người được tận mắt chứng kiến điều kiện sống và làm việc một thời oanh liệt của cả bộ máy Trung ương Cục, với “đi không dấu, nấu không khói, nói không to” và hệ thống hầm hào liên hoàn, khoa học chính ngay trong rừng rậm, rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú được bảo tồn cho đến ngày nay...


 

Đoàn Minh Phụng


Để thực hiện bài viết, tác giả có tham khảo các tài liệu: “Lịch sử Văn phòng Trung ương Cục miền Nam 1961-1975”, NXB CTQG-2005; “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, quyển 4, NXB TĐBK, HN-2005, tr 621; “Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam”, NXB VN-2006.

Có thể bạn quan tâm