(GLO)- Về với Gia Lai là về với các buôn làng truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên địa bàn, chủ yếu là cộng đồng người Jrai và Bahnar. Nét đặc trưng tạo nên thương hiệu du lịch đó được thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua các lễ hội truyền thống, y phục và nhạc cụ. Đặc biệt hơn cả là các làng đồng bào trên địa bàn tỉnh đều có một đặc sản chung, quý giá, to đẹp hơn cả chính là ngôi nhà rông kỳ vĩ, uy nghi giữa làng.
Làng Ốp (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). |
Làng Ốp là ngôi làng đồng bào dân tộc Jrai giữa Phố núi cao nguyên, nằm trên đường Bùi Dự nối dài thuộc trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Mặc dù làng nằm ngay giữa lòng thành phố nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng vốn có với nếp sinh hoạt đặc trưng bản địa của cộng đồng dân cư tại điểm đến. Ngôi nhà rông to đẹp uy nghi giữa làng như dấu ấn, tài sản thể hiện tinh thần đoàn kết, tâm linh của cả làng.
Nhà Rông làng Plei Phung (huyện Chư Pah, Gia Lai) |
Cùng nằm trên địa bàn xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah là hai ngôi làng đồng bào dân tộc Jrai thanh bình, là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm về với những buôn làng đậm đà bản sắc địa phương. Đến với làng Phung du khách có thể hiểu hơn về cuộc sống văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Jrai hoang sơ, mộc mạc giữa đại ngàn. Làng Kép nằm đối diện làng Phung còn lưu giữ nhiều nét văn hóa bản địa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như khu nhà mồ được đẽo đục công phu với nhiều hình thù, thần thái đặc trưng mang hồn và chất vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ giữa bao la núi rừng. Thêm vào đó còn có nhiều giọt nước còn nguyên vẹn dấu ấn của đồng bào dân tộc Jrai.
Nhà mồ làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, Gia Lai). |
Là một trong những ngôi làng xa nhất của huyện Chư Pah, làng Kon Sơ Lăl thuộc xã Hà Tây cách thành phố Pleiku chừng 50 km là nơi có ngôi nhà Rông lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Không chỉ là nơi linh thiêng, là biểu tượng sức mạnh mà nơi đây còn biểu trưng cho tinh thần cộng đồng và tình đoàn kết của cả đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống tại điểm đến. Nơi đây còn có những đội cồng chiêng nhí và người lớn luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Nhà rông làng Kon So Lăl (huyện Chư Pah, Gia Lai). |
Làng Đê’Ktu nằm ở trung tâm thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang cách thành phố Pleiku khoảng 35 km đi theo quốc lộ 19. Làng Đê K’tu đã được công nhận là làng văn hóa truyền thống kiểu mẫu trong số các làng tiêu biểu của dân tộc Bahnar theo quyết định số 4331/QĐ-BVHTT, ngày 16-12-2002 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Nơi đây từng là ngôi làng kiểu mẫu phục vụ khác du lịch khi đến thăm làng.
Làng Đê K'tu (huyện Mang Yang, Gia Lai). |
Không thể bỏ qua ngôi làng Ơi (Plei Ơi) nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 60 km đi theo hướng quốc lộ 14 thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện đã đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Vua lửa). Trước đó Plei Ơi, ngôi làng các vua lửa sinh sống cũng đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT và DL) công nhận là di tích lịch sử-văn hóa. Nhiều thế kỷ qua, các vị vua lửa vẫn tồn tại trong lòng người Jrai cùng niềm tin về sự linh thiêng của những người gìn giữ thanh gươm thần được giấu kín như một báu vật để giữ cho cuộc sống được bình yên, hạnh phúc.
Làng Kháng chiến Stơr (huyện Kbang, Gia Lai) |
Một điểm đến đã trở thành điểm du lịch về nguồn, về với vùng căn cứ cách mạng anh hùng một thưở chính là khu di tích lịch sử làng Kháng chiến Stơr, quê hương người anh hùng của đại ngàn Tây Nguyên nằm trên địa bàn xã Tơ Tung, huyện Kbang, cách thành phố Pleiku gần 80 km. Khi đến với khu di tích, du khách còn được thăm quan Nhà Lưu niệm Anh hùng Núp, hòa cùng những điệu múa xoang rộn ràng bên những âm điệu cồng chiêng ngân vang khắp buôn làng trong mùa lễ hội cùng những món ăn dân dã đặc trưng, chiêm ngưỡng những mô hình tượng gỗ dân gian truyền thống, bên trong những mái nhà tranh người dân tỉ mỉ đan gùi, dệt thổ cẩm thật sự là một trải nghiệm thi vị.
Gia Lai, một tỉnh vùng cao nằm ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên bên cạnh nhiều lễ hội truyền thống được gìn giữ bao đời; ngân vang nhịp chiêng rộn ràng hòa cùng điệu xoang của các chàng trai, cô gái miền sơn cước còn đó những thác ghềnh kỳ vĩ nằm các khu rừng nguyên sinh níu chân người lữ khách phương xa.
Võ Thanh Thảo (thực hiện)